HG: Ngày Tết truyền thống, HG hoài cổ: "Cành hoa tim tím bé xinh xinh đón xuân nồng..."
Có nhiều đồn đoán về nguyên mẫu trong bài hát nổi tiếng “Gửi người em gái miền Nam”. Tuy nhiên lúc sinh thời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chưa bao giờ khẳng định hay tiết lộ đó là ai.
Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, người em gái miền Nam đó chính là Mộc Lan (tên thật là Phạm Thị Ngà) - một ca sĩ nổi tiếng của dòng tân nhạc những năm 1950. Bà không phải là người gốc Hà Nội như nhiều người vẫn nhầm lẫn mà là ở Hải Phòng, theo anh trai vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 13, 14 tuổi.
Mộc Lan nhanh chóng thành danh nhờ tiếng hát và nhan sắc nổi bật. Cô được chính nhạc sĩ Lê Thương phát hiện và giúp đỡ. Ông cũng là người đặt nghệ danh Mộc Lan, đưa cô trở thành thần tượng của cả một thế hệ thanh niên ngày đó.
Đoàn Chuẩn tình cờ gặp Mộc Lan tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong một lần người đẹp về Bắc thăm gia đình. Không lâu sau đó, Mộc Lan phải vào Nam.
Những năm tháng chiến tranh giao thông cách trở. Những hẹn hò của tình yêu vì thế càng trở nên vô cùng khó khăn. Khao khát gặp người tình, Đoàn Chuẩn đã đáp máy bay vào thăm. Nhưng lại nhận được tin nàng vẫn sống với chồng.
Chồng của cô chính là nhạc sĩ Châu Kỳ - một giọng ca cũng nổi tiếng nhất nhì Sài thành lúc đó. Ông thất vọng não nề nhưng với bản tính thích chơi ngông, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã thuê một tiệm hoa lớn ở Sài Gòn mang hoa đến tặng nàng mỗi buổi sáng sớm.
Ban đầu ông giữ kín danh tính nhưng về sau, Mộc Lan phát hiện ra kẻ tình si bí ẩn chính là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Nàng biên thư cám ơn với những ngôn từ ẩn ý.
Trở về Hà Nội nhưng tâm hồn vẫn vương vấn người đẹp Sài Thành, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn viết ca khúc “Gửi người em gái miền Nam” để thổ lộ nỗi niềm. Trân trọng mối tình đắm say mà ngang trái, vị nhạc sĩ tài hoa đã kẻ khuông nhạc bằng tay rất cẩn thận trên tờ giấy pơ-luya xanh mỏng tang. Lúc đó, ông cũng mong sớm đến ngày đất nước thống nhất để quay lại tìm Mộc Lan. Nhưng chờ mãi vẫn chưa đến ngày đó. Càng nhớ nhung, ông càng rơi vào vô vọng. Trong nỗi niềm ấy, ông viết nhạc gửi người tình.
Theo nghệ sĩ Đoàn Đính, vì những xa cách của địa lý, thời gian và tuổi tác, họ không có cơ hội gặp lại nhau nhưng đã trao cho nhau nhiều cảm hứng trong âm nhạc. Nghe nói người đẹp sau này cũng gặp nhiều trắc trở trong tình duyên.
Cuộc sống riêng của Mộc Lan khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn càng thêm day dứt. Ông dành nhiều sáng tác viết riêng cho nữ danh ca, trong đó nổi tiếng là bài "Chuyển bến" được ký với bút danh là Đoàn Chuẩn – Từ Linh.
Băn khoăn về lời ca "Gửi người em gái miền Nam"
“Gửi người em gái miền Nam” là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, được sáng tác từ năm 1956. Thế nhưng cho đến tận bây giờ rất nhiều người yêu nhạc vẫn chỉ biết đến bài hát này dưới cái tên “Gửi người em gái”, qua một phiên bản do các ca sĩ miền Nam biểu diễn ở miền Nam trước 1975, với phần lời đã bị cắt xén đến biến dạng. Giờ đây, tuy muộn nhưng có lẽ đã đến lúc nên trả lại cho bài hát nổi tiếng này những giá trị của nó, bắt đầu từ việc gọi đúng tên và hát đúng lời như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết.
Và đây là nội dung của ca từ:
- Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ... mà chi.
Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê
Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền
Chạnh lòng tôi nhớ tới... người em.
Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi
Mắt huyền trìu mến yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Hoa tình yêu!
Nhưng... một sớm mùa thu, khép giữa trời, tím ngắt
Nàng đi... gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình... nghĩa xưa.
Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền
Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu... mà đi.
Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương! - Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ
Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng
Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em... giữa cầu Hiền Lương.
Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi bên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.
Em! Tháp Rùa yêu dấu
Còn đó nên thơ, lớp người đổi mới khác xưa
Thu đã qua những chiều nên ý thơ rất nhiều
Cả ... tình yêu!
Em... nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát
Trời ta hết màu tang
Đường xưa lối ngập lá vàng
Đường nay thong thả bao nàng đón xuân.
Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn
Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng
Dằn lòng tơ dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi vào Nam.
Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian
Em tôi mơ miền quê qua sương lam
Trời Bắc lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!
Có thể thấy bài hát này gồm 2 phần. Phần 1 là cảm xúc về một câu chuyện tình có kết cục chia ly buồn do hoàn cảnh chung của cả dân tộc mang đến, là nỗi niềm nhớ nhung, đau xót của tác giả khi nghĩ tới người yêu đang ở nơi xa xôi không chỉ về không gian. Khi mà phiên bản cũ từ miền Nam vẫn được phổ biến gần như là duy nhất thì không nhiều người được nghe hay biết tới những lời hát đã vẽ nên một bức tranh thơ rất đẹp mà cũng đau xót đến tê lòng về một người con gái nhỏ bé, yếu ớt đang phải cô đơn đón xuân mới giữa một nơi xa lạ, của những người xa lạ:
Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!
Đặc biệt là phần 2 của bài hát.
Được viết từ năm 1956, gần 20 năm trước ngày đất nước thống nhất, vào thời kỳ hai miền mới bị chia cắt, khi giấc mơ đoàn tụ theo hiệp định Giơnevơ đang tắt dần, còn chưa biết được tương lai sẽ ra sao trong hoàn cảnh rối ren loạn lạc, vậy nhưng tác giả vẫn mơ “Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em... giữa cầu Hiền Lương”. Một giấc mơ mà trong hoàn cảnh giang sơn đã thu về một mối như ngày nay thì có thê nói đơn giản là một giấc mơ lạc quan, nhưng nếu đặt vào tâm trạng và hoàn cảnh ngày đó thì mới thấy giấc mơ xa vời ấy dường như gợi nhớ đến một nỗi đau sâu thẳm trong lòng vì tuyệt vọng trong chia ly, dù vẫn còn le lói chút tia hy vọng, nhiều hơn là niềm tin tưởng vô cớ hay lạc quan tếu như có người nhìn nhận.
Theo cách nhìn này thì những bức tranh mà tác giả vẽ nên như “Em tôi đi, màu son lên đôi môi/ Khăn san bay, lả lơi bên vai ai/ Trời thắm gió trăng hiền/ Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên” hay “Em... nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát/ Trời ta hết màu tang/ Đường xưa lối ngập lá vàng/ Đường nay thong thả bao nàng đón xuân” mang nhiều ý nghĩa khác hơn, chất chứa nhiều tâm sự sâu sắc hơn là những lời bày tỏ tình cảm yêu đương trìu mến thông thường dành cho một người yêu bị chia xa do hoàn cảnh. Vì thế bài hát này, bên cạnh giai điệu đi vào lòng người, còn mang lại nhiều điều đáng để suy ngẫm và chiêm nghiệm tùy theo mức độ cảm nhận của người nghe.
Thế nhưng lời bài hát hiện vẫn còn phổ biến hiện nay chỉ còn lại 1 lời và là một sự cắt xén, lắp ghép có thể nói là tùy tiện và vụng về nếu so với nguyên gốc. Tùy theo ca sĩ thể hiện, nó có thể khác biệt đôi chút nhưng về cơ bản thì lời hát ấy như sau:
Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ... mà chi.
Đêm tân xuân, hồ Gươm sao long lanh
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Đường phố vắng bóng đèn
Chạnh lòng tôi nhớ tới... người em.
Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương
Mắt huyền rộn ý yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều
Ôi, tình yêu!
Nhưng... một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt
Nàng đi... gót hài xanh
Người đi trong dạ sao đành
Đường quên lối cũ ân tình... nghĩa xưa.
Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi lòng
Thuyền tình vỡ lỡ bến cô đơn không ai ngờ
Tình nghèo xa cách mãi, em tôi đành ôm mối sầu mà đi.
Em tôi đi, màu son lên đôi môi
Khăn san bay, lả lơi trên hai vai
Nhìn xác pháo bên thềm
Gợi lòng tôi nhớ tới người em ...
Rất dễ nhận thấy phiên bản này đã phá bỏ hoàn toàn cấu trúc ban đầu và làm biến dạng hẳn ý nghĩa của bài hát. Thế nhưng thật lạ là các ca sĩ hiện nay vẫn vô tư trình diễn cái phiên bản méo mó này mà không gặp bất kỳ ý kiến nào của các cơ quan quản lý biểu diễn âm nhạc.
Việc một bài hát rất hay đã một thời gặp phải những trắc trở, bị ngưng phổ biến vì những nguyên nhân này nọ đã là chuyện quá khứ. Nhưng đến bây giờ, khi không còn lý do gì để tiếp tục những sai lầm hay ấu trĩ ấy nữa mà người ta vẫn để yên cho cái vỏ xấu xí kia che lấp mất cái giá trị thật của bài hát thì đó là một điều đáng phải lên tiếng. Bởi nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mà còn làm biết bao người nghe và yêu âm nhạc nước nhà phải chịu thiệt thòi vì họ chỉ được thưởng thức một thứ đồ dởm mà không hề biết.
Đến bao giờ bài hát nổi tiếng này mới được trả lại tên và ca từ như nó vốn có?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét