Trang

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

KỶ NIỆM NHỎ VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

 Nguyễn Quang Lập

(Viết nhân 100 năm ngày sinh Tướng Giáp)



Dân Quảng Bình ở Hà Nội hầu hết đã gặp cụ Võ, dân làm  báo viết văn Quảng Bình hầu hết đã đến nhà cụ chơi, thế mà mình thì không.

  Bữa trước ngồi nhậu với Trần Quang Đạo, Bảo Ninh, Nguyễn Hữu Quí, chúng nó hẹn đến chơi nhà cụ, mình không đi.

 Anh Mỹ rất gần gũi cụ, xưa đã từng theo cụ cả năm trời vào cái thời lấy Tây Nguyên làm thủ đô kinh tế, với cô Hà lại là chỗ thân thiết, anh bảo mình đến chơi mấy lần, nhưng mình ngại, không đến.

Chẳng phải vì sợ mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ, chỉ vì mình ngưỡng mộ từ lâu rồi, ngưỡng mộ thấm tận xương tủy, bây giờ gặp chẳng may vì lý do gì đó làm mình thất vọng thì chán lắm.

Đã có đôi ba người ở xa thì yêu quí kính trọng vô cùng, khi gặp cái là chán ngoét, đôi khi vì chuyện đó mà buồn cả tháng. Thành ra mình quyết định ở xa ngưỡng mộ cụ thôi.

Dân Quảng Bình, là nói dân  sở tại, ai cũng có thể chê bai, kể cả bố mẹ, nhưng cụ Võ thì không, tuyệt nhiên không. Thế gian có ba người dân Quảng Bình thờ phụng đó là Chúa, Phật và cụ Võ.

Họp hội đồng hương năm nào cụ cũng đến, hễ cụ đến trễ tý là lại xôn xao, thì thào không biết có chuyện chi mà giờ này cụ chưa đến. Cụ nói nhỏ, người nghe thì đông, hầu hết chẳng nghe gì nhưng hễ cụ nói xong ai nấy đều hân hoan như vừa nghe xong thánh chỉ.

Chẳng phải thời cụ làm quan cụ lo lót được cho dân Quảng Bình. Mình hỏi nhiều ông quan to Quảng Bình cụ Giáp có bố trí được ghế này ghế nọ không, ai cũng thở hắt ra nói có mô. Hễ có việc gì của tỉnh người ta chạy đến chỗ nọ chỗ kia chứ chẳng bao giờ chạy đến cụ.

Thì Phật, Chúa tóm lại có lo được dân chút gì đâu nhưng có đánh chết dân vẫn không thôi thờ phụng. Cụ Võ cũng thế thôi.

 Quý Doãn nói cụ đánh hai đế quốc to đã trợt mặt rồi, mình còn đòi hỏi cụ cái chi nữa.

Thời xưa các ông bộ chính trị  đều có ảnh phóng to, lồng khung treo tường cả. Mình còn bé chẳng biết ông nào ra ông nào, chỉ duy nhất cụ là mình biết, bởi vì cụ là đại tướng. Con nít thì đại tướng là ghê gớm nhất còn mấy cái chức khác thì mặc kệ, chẳng quan tâm.

Sáu, bảy tuổi ngồi há mồm nghe anh Chanh, anh Út kể chuyện cụ, sướng rêm người.

Anh Chanh kể tướng Đờ Cát gọi điện cho Cụ Hồ xin tha. Cụ Hồ hỏi Đại tướng ý kiến chú ra răng? Đại tướng nói thưa Bác thằng mô tha thì tha chứ Đờ Cát thì dứt khoát không tha. Tụi mình vỗ tay rào rào nói đúng đúng không tha không tha.

Anh Út kể đội bóng đá nước mình đá với đội Trung Quốc, bị sút quả 11m, nếu bắt thì thủ môn sẽ vỡ ngực chết, không bắt thì thua. Trưởng đoàn gọi điện cho cụ Hồ hỏi thưa Bác có bắt không, cụ Hồ thương thủ môn chết tội, định nói thôi không bắt. Đại tướng ưỡn ngực rập chân nói thưa Bác dù chết Tổ quốc mình cũng không thể thua. Cả lũ nhảy lên reo hò đúng đúng, dù chết cũng không thua.

Rồi xúm lại hỏi anh Út cuối cùng mình có thắng không. Anh Út vênh mặt lên nói thắng chơ răng không thắng. Sướng muốn ngất luôn.

Đại khái cái gì Cụ Hồ cũng hỏi Đại tướng, cái gì Đại tướng cũng quyết định ngon lành, toàn trúng không thôi. Tâm hồn bé thơ của mình đầy ắp những chuyện như thế.

Mấy chục năm sau, hình như năm 1980, đang ăn cơm bỗng nghe tin cụ đựơc phân làm trưởng ban Sinh đẻ có kế hoạch, bỏ cơm nằm khóc rưng rức suốt cả buổi chiều . Tâm hồn bị tổn thương trầm trọng giống như thấy người ta đang làm nhục bố mình.

Năm sau, kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đài ngâm bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, mình ngồi phục xem người ta có ngâm câu: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp hay không. Hoá ra không.

Điên tiết mình đập tan cái đài của anh Đuya, sau phải vay tiền gần chết mua cái đài mới đền anh.

Năm 1984, đoàn kịch Quân đội dựng vở Bài ca Điện Biên, hình như kịch bản của Sĩ Hanh, Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Nghĩ bụng chắc người ta chẳng mời cụ đến dự đâu. Hóa ra cụ đến. Bụng phục thầm quân đội quá xá, chỉ có quân đội gan mới to thế chứ chẳng ai dám đâu.

Mình đứng cuối hội trường hồi hộp chờ xem cái đoạn kết. Đoạn kết có chi tiết Chính uỷ mặt trận báo cáo chiến dịch thắng lợi, chỉ mỗi câu báo cáo đại tướng hay báo cáo đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cãi nhau ỏm tỏi.

Anh Giang thì cứ tủm tỉm cười nói rồi mày xem anh xử lý thế nào.

Vở kịch quá dài, hơn 2 tiếng, xem mệt cả người, rồi cũng đến hồi kết. Khi tập thì anh Đoàn Dũng, trong vai chính uỷ mặt trận, chỉ quay điện thoại về chỉ huy sở mặt trận báo cáo với Đại tướng. Nhưng khi đó, anh Đoàn Dũng chạy vụt xuống đứng trước mặt cụ, rập chân ưỡi ngực chào.

Cụ bị bất ngờ, lúng túng đứng lên.

 Anh Đoàn Dũng nói to, dõng dạc từng tiếng một: Báo cáo đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh mặt trận, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Tướng Đờ Cát đang ở trước mặt chúng ta.

Cả ngàn người vụt đứng dậy vỗ tay như sầm rền, kéo dài hơn 10 phút, nhiều người khóc oà.

Mình bật khóc nức nở, chạy ra khỏi hội trường đứng khóc, hét to ôi sướng quá trời ơi.

Tối đó về nhà nằm lúc lúc lại bật khóc. Đang viết những dòng này cũng nước mắt như mưa.

2011.

--------------------------------------------------

ĐIỆN BIÊN PHỦ, CÔNG & DANH

FB Trương Huy San ngày 6/5/2024

Phải công nhận, câu chuyện hai chị em bà Nguyễn Thị Oanh đi tìm “tên” của bố trong hàng nghìn ngôi mộ ở Điện Biên Phủ là một trường đoạn rất thành công về lấy nước mắt của VTV tối qua. Chỉ có rất ít bia mộ có tên trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở đây. Trên thực tế, tất cả các ngôi mộ ở đây đều vô danh.
Nhưng, sau trường đoạn ấy, một ông anh từng đứng đầu một cơ quan quan trọng ở Trung ương, từ Điện Biên Phủ, gửi về hai tấm hình dưới đây [hình 3 và 4, chụp trong khuôn viên Đền thờ liệt sĩ trên đồi A1].
Từ lâu, người ta đã khao khát lưu danh ở những nơi như Điện Biên Phủ.
Trong “30 năm dân chủ cộng hòa”, Kháng chiến chống pháp là cuộc kháng chiến mang đầy đủ ý nghĩa và đúng tính chất chống ngoại xâm, giành độc lập nhất [cho dù, muốn đánh giá hết ý nghĩa của công cuộc đó phải đứng trên quan điểm của Hồ Chí Minh: “Nước có độc lập mà dân không có tự do hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa”(Thư gửi già làng trưởng bản, 1946)].
Người ta đã từng muốn có một chiến thắng tầm cỡ “lừng lẫy Điện Biên” mà không có Hồ Chí Minh, không có Tướng Giáp.
Khi bắt đầu Chiến dịch Mậu Thân, nhiều chỉ huy tài năng của Tướng Giáp bị bắt, kể cả đại tá Lê Trọng Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân báo. Tướng Giáp bị giữ ở Hungaria cho tới 29 Tết, với sự can thiệp của Hồ Chí Minh mới có thể về Hà Nội.
Hàng chục vạn con dân Việt Nam đã bỏ mình trong Chiến dịch ít chuẩn bị và nhiều tham vọng này.
Theo Tướng Giáp: “Lúc đầu mục tiêu đề ra là tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân. Giấy bạc đã được in và đã được chuyển vào Nam. Đồng phục cho công an vào tiếp quản thành phố cũng đã được chuẩn bị. Đồng chí Đàm Quang Trung ở Quân khu IV đã chuẩn bị một đoàn xe chở quân và quân trang vào tiếp quản thành phố. Sau này giải thích tổng công kích, tổng khởi nghĩa xảy ra là một quá trình là không đúng với thực tế”.
Sau 1975, Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố, “500 năm sau, khi nói tới thời đại ngày nay, người ta chỉ nhớ tới Hồ Chí Minh và Tướng Giáp”. Lịch sử chắc sẽ không quá khắt khe như Tướng Trà nhưng vào thời điểm đó, ta hiểu vì sao Tướng Trà nói thế.
Các hoạt động kỷ niệm “30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” không có tên Tướng Giáp. Các bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ tháng 3 đến tháng 5-1984, trong khi nói rất kỹ về Henri Navarre và Christian de Castries, đã không hề nhắc tên Võ Nguyên Giáp. Hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái đăng nhiều kỳ trên báo QĐND tên của Tướng Giáp cũng bị cắt đi dù Tướng Thái nổi giận đòi rút bài.
Năm 1994, khi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi đặt câu hỏi: “Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, tại sao trong “Đại Thắng Mùa Xuân”[của Văn Tiến Dũng] vai trò của Đại tướng được nhắc rất ít?”
Tướng Giáp, mặt đanh lại, quay sang phía thiếu tướng Lê Phi Long, “Long, cậu biết, nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo và các nhà sử học nếu muốn biết sự thật lịch sử thì nên đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó.”
Đến năm 1991, người ta còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hạ bệ Tướng Giáp. Nếu ở thời điểm trước Đại hội VII, TBT Nguyễn Văn Linh đưa báo cáo của Trung tướng Võ Viết Thanh ra Bộ Chính trị, các tướng sẽ không tha thứ cho Lê Đức Anh, lịch sử đổi mới đã có thể thuận lợi hơn và chính trị của Việt Nam cũng bớt được những khuyết tật khó mà khắc phục.
Cho dù Tướng Giáp sống lâu hơn những người ganh ghét mình, “Trời” vẫn để cho Lê Đức Anh sống ở phía đối diện nhà 30 Hoàng Diệu và giữ ông ta minh mẫn cho đến khi Tướng Giáp qua đời.
Không biết, khi “gặp lại Lê Duẩn, Lê Đức Thọ”, Lê Đức Anh có tường thuật tang lễ này và ba ông Họ Lê sẽ nói gì về những “quốc tang” nhạt nhẽo của mình so với dòng dân chúng xếp hàng nhiều ngày trời để vào thắp hương cho Tướng Giáp.
Trong số những người nghiêng mình trước Tướng Giáp, tôi nghĩ, không chỉ có những người ngưỡng mộ tài năng và tên tuổi lẫy lừng của ông. Sau nhiều thập niên tụt hậu và thất sủng của dân tộc này, người dân tìm thấy ở Tướng Giáp biểu tượng vĩ đại của người thất sủng nhất.
Vị tướng nào lưu danh mà không để lại “vạn cốt khô”; nhưng không phải ai biến hàng vạn trai tráng thành cốt khô cũng có danh trong lịch sử.
Nhà báo Huy Đức (Trương Huy San)
 phỏng vấn Tướng Giáp)- 1994






Tất cả cảm xúc:
2,1K

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét