Trang

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

MỘT KIẾP NHÂN SINH

                                                                                                      Vũ Thư Hiên

HG: Blog HG trân trọng kính chúc nhà văn Vũ Thư Hiên mạnh khoẻ, trường thọ sau tuổi 90, để bác có thêm thật nhiều ngày tháng hạnh phúc bên đại gia đình; để cháu cùng những  độc giả yêu văn chương và thích tìm hiểu lịch sử lại tiếp tục được đọc thêm những áng văn tuyệt đẹp, những câu chuyện- cũ mà chưa xưa- chân thực từ bác. 

Cháu kính trọng và khâm phục bác vô cùng, vì dù bị đoạ đày đến đâu, sống trong hoàn cảnh nào, giao thiệp với ai,..., bác vẫn luôn là một nhà văn đặc biệt thông tuệ, có chủ kiến, và nhất là luôn có  cho mình trạng thái trung dung, khảng khái mà thật nhân hậu. Những phẩm chất đó đã toả sáng một cách tự nhiên như nó vốn có. Bác cho cháu rất nhiều niềm tin vào lẽ sống.

Và nhờ bác, cháu thêm tin tưởng rằng: có những giá trị là bất biến, không thể bóp méo theo chính trị, thời cuộc.              

                                                     

Va tìm tôi, rủ rỉ:
- Em buồn, anh ạ.
Tôi mở to mắt ngó va. Tôi ngơ ngác. Tôi không hiểu.
thì va buồn. Nhưng buồn cái gì mới được chứ?
Con người mảnh khảnh, nước da xanh như người ốm lâu ngày, mái tóc đen tuyền rủ xuống trán, va có tất tật những gì gợi ghen tị: đẹp giai nhé, bằng đỏ nhé, sung túc nhé! Sung túc ở đây chỉ có nghĩa hẹp, tức là so với người sống bữa nay lo bữa mai, chứ không thể đọ với người ở tầng trên cùng của xã hội. Họ thuộc một giống loài khác.
Nơi ở của va khá tốt - một căn phòng rộng trong một ngôi biệt thự cổ bị tịch thu. Phòng va có đủ thứ: bàn là, đồng hồ bàn, quạt tai voi biết quay đi quay lại, tủ lạnh Saratov… tất cả là của Liên Xô, va tha về từ Liên Xô. Hỏi còn mong gì hơn vào cái thời mọi thức ăn vật dụng đều thiếu?
Người như va, hừm, phải vui mới đúng, tôi không thể nghĩ khác. Cũng chả ai nghĩ khác.
- Cớ gì mà buồn? – tôi cười vô nghĩa.
Va nhếch mép. Ấy là va cười. Nụ cười không làm mặt va sáng lên.
- Em buồn là em buồn. Thế thôi.
Nỗi buồn ở người này khác người kia, chuyện dễ hiểu. Có điều ở va tôi chả thấy một cái buồn nào khả dĩ có lý. Chẳng lẽ nó là thứ “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” của Xuân Diệu.
Những người biết va cho rằng hẳn va có điều bất mãn.
Ở nước ta bất mãn không có nghĩa nào khác ngoài sự bực mình, sự không bằng lòng với xã hội, với chính quyền. Chuyện thường. Có xã hội nào vừa lòng tất tật mọi người? Có điều vào cái thời đang được nói tới ấy người bất mãn nhiều vô số kể. Bất mãn thì bất mãn. Nhưng âm thầm. Chẳng ai dại gì để lộ cái bất mãn của mình ra để chịu hậu quả. Hậu quả có nhiều dạng, nhiều mức, lớn bé cao thấp khác nhau, chẳng có cái nào tốt.
Không, tôi loại trừ khả năng bất mãn ở va. Bất mãn chỉ tồn tại ở những người quan tâm chính trị thôi. Va thì không dính dáng với cái của nợ ấy.
Tôi không biết y học để kết luận về căn bệnh của va. Bây giờ người ta có xu hướng gọi nỗi buồn vô cớ ấy là trầm cảm. Nhưng chẳng lẽ trầm cảm là bệnh tự nhiên sinh ra, tự nhiên có, không nguồn không gốc? Nói tóm lại, tôi không hiểu là tôi không hiểu.
Nhưng nỗi buồn vô cớ của va không dừng lại ở vẻ mặt rầu rĩ, ở thân hình ngày một gày guộc.
Hồi ấy tôi đang mê Paustovsky. Trong nền văn học cách mạng bừng bừng khí thế “cầm gươm ôm súng xốc tới” bỗng được ngọn gió lãng mạn bất ngờ mang tên Paustovsky từ phương Bắc thổi tới. Nó có tác dụng như liều thuốc hồi sinh. Sự xuất hiện cuốn Bông Hồng Vàng không chỉ đắc dụng với những cây bút trẻ loay hoay tìm cách thoát ra khỏi lối mòn văn chương lưỡi gỗ, người không dính dáng tới văn chương cũng khoái đọc nó.
Bà đỡ của nó là Lý Hải Châu, giám đốc nhà xuất bản Văn Hoá.
Tôi trình bày. Lý Hải Châu bảo:
- Sách chỉ viết về kinh nghiệm trong nghề văn thôi à? Ông nghĩ thế nào, với người viết văn thì hay đấy, nhưng nó có thích hợp với mọi tầng lớp độc giả không. Nhất là nó có được lòng lãnh đạo không? Vấn đề là ở chỗ ấy. Sách ra mà bị cấm, bị thu hồi là chúng tôi chết.
- Nghề văn mà tác giả đặt ra chỉ là cái cớ. Cuốn sách nói về đủ mọi thứ linh tinh lang tang, ông ạ. Nói tóm lại, chuyện thì hay, văn thì đẹp.
Lý Hải Châu không dễ tính để bị thuyết phục.
- Ông dịch đi. Nếu mọi thứ linh tinh lang tang trong đó không đụng chạm đến chủ nghĩa xã hội thì được. Ông mà thích chắc nhiều người sẽ thích. Văn học trước hết là phải hay. Không hay thì vứt.
Tôi dịch ngày dịch đêm. Lý Hải Châu chỉ khuyến khích, chứ không hứa sẽ in. Không có đơn đặt hàng của nhà xuất bản mà dịch là phiêu lưu. Mất cả thời gian lẫn công sức.
Đọc bản dịch, Lý Hải Châu phán:
- Này, nó hay thật, ông ạ. Tôi in.
Anh giao bản thảo cho Cao Xuân Hạo duyệt. Cao Xuân Hạo là nhà ngôn ngữ học có môn bài.
- Được! – Hạo đọc rồi trả lại bản thảo – Cuốn này được. Có một chỗ sai, tôi đã đánh dấu ngoài lề.
Sai thật. Chẳng hiểu sao, vì mắt quáng gà, hay vì đinh ninh vô lối, mà câu “những luồng ánh sáng (lutchi) quờ quạng trên mặt biển đêm, tôi lại dịch thành “những cánh tay (ruki) ánh sáng quờ quạng trên mặt biển đêm”.
Lý Hải Châu tiếc:
- Tôi thấy sai thế mà lại đẹp, ông ạ.
Cuốn sách bán chạy.
Tôi vui. Vợ tôi vui. Cứ có nhuận bút là tốt. Ít cũng tốt. Nhiều thì tốt hơn.
Một hôm va đến:
- Anh chị cho em ăn cơm nhé!
Vợ tôi bảo:
- Chú cứ đến chơi. Gặp bữa thì ăn. Thêm đũa thêm bát ấy mà.
Giữa bữa, va chống đũa, nói:
- Em làm bài thử: nếu anh chị mà cũng từ chối không cho em ăn thì em sẽ ra sông Hồng.
- Ra đấy làm gì? – vợ tôi trợn mắt.
- Còn làm gì nữa? Nhảy xuống, chị ạ. Cho nó xong.
Vợ tôi cười câu nói như thể đùa. Tôi lại cảm thấy thấy nó có sức nặng của lời thật. Tôi yêu mến va. Tôi rùng mình trước viễn cảnh va nổi lềnh bềnh trên Sông Cái.
Tôi không biết va học ngành gì. Cũng chả biết va ở Nga bao lâu, nhưng tiếng Nga rất khá. Bằng chứng là va biết cả những thành ngữ cổ trong từ điển Dal. Cuốn từ điển ra đời từ thế kỷ trước không phải người nào từng học ở Nga cũng biết mà bỏ tiền mua.
Tôi nghĩ: phải kéo va vào việc nào đó để va thấy mình vẫn là người có ích mà quên đi những ý nghĩ đen tối.
- Chú ạ, anh trót hứa với nhà xuất bản dịch một số truyện ngắn của Paustovsky mà không có thời giờ – tôi bịa - Chú chịu khó giúp anh nhé!
- Được thôi – va gật gù - nhưng tiếng Việt của em tồi.
- Cứ dịch giúp anh. Công việc ở toà báo nhiều, anh bận.
Giám đốc nhà xuất bản Lý Hải Châu chê bản dịch của va.
Tôi nản – kế ấy không thành. Đành mang bản thảo của va về xem. Va dịch hoàn toàn đúng. Ngữ nghĩa không sai. Nhưng văn lại không cuốn hút. Tiếng Việt là một ngôn ngữ rắc rối. Các từ không chỉ mang cái cốt nghĩa. Nó còn mang bộ áo âm thanh. Bản dịch tốt không những phải chuyển được cái ý của tác giả, mà còn phải giữ được vẻ đẹp của sự sắp xếp câu chữ, cho nó mượt mà, cho nó thánh thót. Chuyện này khó. Với bất kỳ ai.
Tôi cặm cụi sửa cho va. Rốt cuộc, Lý Hải Châu gật.
Va vui ra mặt.
Lĩnh nhuận bút, y nằng nặc kéo vợ chồng tôi đi ăn mừng ở phố Tạ Hiền, nơi có món bồ câu quay nổi tiếng.
Nhưng cái danh dịch giả và tiền nhuận bút không làm cho va vui lâu. Chẳng mấy chốc va lại trở về với nỗi buồn cố hữu.
Đùng một cái, tôi đi tù. Tôi không tự đi. Tôi, như mọi người, sở hữu một nhà nước không phải do mình chọn. Nhà nước ấy tự cho nó quyền phán xử dân chúng dưới quyền cai trị của nó: thằng này tốt, thằng kia xấu. Nó cho thằng dân thế nào được thế ấy. Cho sống được sống. Bắt chết phải chết. Cho đi tù còn là chiếu cố.
Đời tù chín năm dài dằng dặc. Tôi quên bẵng chú em. Va biến khỏi trí nhớ của tôi. Tôi có nhiều cái để mà nhớ, trừ va.
Từ nhà tù trở về sau 9 năm. Chợt nhớ tới va, tôi hỏi vợ:
- Anh đi vắng, chú ấy vẫn đến nhà mình chứ?
- Có vài lần. Giữ lại ăn cơm, chú ấy lắc, bỏ đi.
- Để anh sang gọi chú ấy.
Vợ tôi thở dài:
- Nhà chú ấy người khác ở rồi.
- Sao thế?
Vợ tôi mặt đần ra:
- Đừng nhắc tới chú ấy nữa. Em khóc đây.
- Sao thế?
Thì ra va đã nhảy sông. Thật.
Va không chọn cầu Long Biên. Va nhảy ở đâu đó, bến Phà Đen hay là một chỗ nào gần đấy.
Cái nhà nước của tôi chẳng thèm nghĩ xa. Bỏ một thằng dân vào tù có thể làm mất đi khả năng ngăn cản một thằng dân tìm cái chết.
Ý nghĩ của tôi là vớ vẩn.
Nhà nước chẳng bao giờ quan tâm va. Nhà nước chẳng quan tâm thằng dân nào.
Tên của va là Mộng Quỳnh.
Va họ gì, tôi không biết.
Có còn ai nhớ đến va, cùng với tôi?
1998
(treo lên đây kẻo gió cuốn mất)





















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét