Trang

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ


 Bà huyện Thanh Quan (*)

Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường

-----------------

Chú thích:

1. (*)  Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, là một nữ thi nhân trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam. Bà người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ), Hà Nội. Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), và là vợ của Lưu Nghị (1804-1847) người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).  Ông Nghị đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mạng thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi bà là Bà huyện Thanh Quan. Ông làm quan trải đến chức Bát phẩm Thư lại bộ Hình, nhưng mất sớm (43 tuổi). Dưới thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh giữ chức Cung trung giáo tập để dạy học cho các công chúa và cung phi. Khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy đến khi mất. Sáng tác của Bà huyện Thanh Quan còn lại rất ít ỏi, đều bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. (Trích dẫn ở đây)

2. Về bài "Thăng Long thành hoài cố" Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này, sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị trung tâm của đất nước về chính trị và văn hóa.  Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương. Tình thì hoài cổ. Phạm Thế Ngũ viết: Bài này nói lên nỗi đoạn trường của tác giả trước cảnh hoang tàn của cố đô đất Bắc. (trích dẫn ở đây

3. Một số ý kiến của các nhà nghiên cứu hiện đại:

  • Đỗ Lai Thúy:
Bà Huyện Thanh Quan sống trong một thời đại (lớn) đầy biến động. Nhà Lê/Mạc, chúa Trịnh/Nguyễn, Tây Sơn/Nguyễn Ánh liên tiếp xuất hiện và liên tiếp sụp đổ...Bởi vậy thi nhân trách con tạo (gây chi) biến cuộc đời thành sàn diễn của những đổi thay. Thoạt tiên vẫn những đối lập xưa/nay ấy: Xưa là lối xe ngựa đi về nhộn nhịp thì nay chỉ có cỏ thu phủ dày; xưa là lâu đài đường bệ mà nay chỉ còn trơ lại nền cũ dưới ánh chiều tà. Rồi xuất hiện thêm một đối lập khác nữa tự nhiên/nhân tạo. Ngày tháng (tuế nguyệt) trôi đi kéo theo những đổi thay (tang thương), nhưng đó là những đổi thay của thế giới nhân tạo, thế giới người, còn tự nhiên (đá, nước) thì vẫn bất biến (trơ gan, cau mặt). Soi vào tấm gương vĩnh hằng của tự nhiên, đời sống nhân tạo từ xưa đến nay (kim cổ) càng trở nên giả tạm và thoáng chốc. Con người đối diện với cảnh tượng này (cảnh đấy, người đây) được thức nhận, tỉnh táo hơn so với con người ảo giác ở chùa Trấn Bắc (xem bài "Qua chùa Trấn Bắc"). Nhưng, vì thế, cũng đau khổ hơn. Và cô đơn hơn.
  • Phạm Thế Ngũ:
Nhìn chung, thơ Bà Huyện Thanh Quan, đều có vô số những cái hay: chữ dùng khéo, chọn lọc, thích đáng, đối rất chỉnh, rất thần tình, ý hàm súc, lời trau chuốt, gọn, đẹp...Riêng bài thơ Thăng Long thành hoài cổ", cổ kính mà thanh thoát nhẹ nhàng; ước lệ mà có hồn, có cảm. Sự phối hợp của ý tưởng với thanh âm đã gây nên một thi điệu tự nhiên, uyển chuyển, hấp dẫn; khác xa những dòng chữ chắp nối công phu mà vẫn lủng củng, không hồn của đa số các bài thơ tiền Nguyễn.
 (trích dẫn ở đây)
4. HG đăng bài thơ, một phần vì tâm trạng; một phần vì mới về nghe Người tuổi 90 chia sẻ hoài niệm, ngâm nga cho con nghe; một phần nữa vì tìm thấy một bài cảm hay... Bỏ qua thiên kiến của tác giả do góc nhìn, bỏ qua lỗi cú pháp, mình tính phần mình ưng được là  8/10.


Về Hà Nội nhớ Bà Huyện Thanh Quan
Huệ Thu
THĂNG LONG HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường

Đây là một bài thơ tề chỉnh hết sức tề chỉnh. Lại là một bài thơ hay .
Bài thơ hay vị tất đã là một bài thơ tề chỉnh. Ngày xưa các vị đại khoa thi xong, vua thường ban yến đãi tiệc. Các vị đỗ cao thường làm một bài thơ để lưu niệm. Như của các vị Trạng Nguyên, Bảng Nhãn hay Thám Hoa nhất định là phải đúng niêm luật nhưng chưa chắc là những bài thơ hay. Chứng cớ là cho đến ngày nay , loại thơ ấy còn mấy bài được truyền tụng. Trái lại những bài thơ hay nhất của Trung Hoa và Việt Nam chưa chắc là những bài thơ tề chỉnh, lại đôi khi còn không đúng niêm, đúng luật. Niêm luật giúp chúng ta làm thơ tề chỉnh, nhưng niêm luật chưa phải là thơ. Những cây bút "đại gia" thường vượt lên trên niêm luật. Bời thế mới có Bùi Giáng, và thơ Bùi Giáng mới được truyền tụng, tuy thơ của Búi Giáng phần lớn là thơ của người điên. Vừa đây Nguyễn Văn Lục trong báo Tân Văn số ra mắt có viết một bài về Búi Giáng mà theo tôi thật giá trị. Đó là một con người cam đảm, dám tin ở những điều mà mình cho là thật. Ngày xưa có một giai thoại, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng là bộ trưởng chiêu hồi, Thanh Tâm tuyền là trung úy. Trong một tiệc rượu ông Nghiêm Xuân Hồng nửa đùa nửa thật hỏi Thanh Tâm Tuyền:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mát quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Mặt chữ điền thì vuông vắn như cái bánh chưng, đẹp gì mà đẹp. Thanh Tâm Tuyền nói ông hiểu thơ như vây thì thật là giết người ta chứ còn gì nữa! Hồng cười nói, thì ít ra anh cũng phải cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu chứ! Bấy giờ có một nhà thơ can rằng: anh Hồng chắc là hỏi đùa mà chơi vậy thôi. Thật ra thì đối với người Việt Nam thì cái gì vuông vức tròn trịa đều đẹp vì nó phúc hậu. Đây tác giả chỉ muốn nói thế thôi. Ngôn ngữ của thơ, không phải là ngôn ngữ của toán học .
Ai về ai có nhớ ai; Ai cũng là tôi mà cũng là người tôi yêu. Toán thì không thế, hai với hai nhất định phải là bốn, nhất định, rõ ràng và minh bạch như vậy. Bài Hoàng Hạc Lâu được kể như bài thơ hay nhất của Trung Hoa, bài thơ ấy phá hết niêm luật:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 

Mới câu đầu đã thất luật,

Thử địa không du hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du

Hai câu 3 và 4 không đối

Tình quyên lịch lịch hán dương thụ
Phương thảo thê thê anh vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba nhân thượng xử nhân sầu

Không có một chữ nào một câu nào cầu kỳ, giản dị như lời nói, hay ở chỗ nào? Thật khó mà trả lời! Thơ để mà cảm chứ không để phân tích. Người ta cảm được cái hay của thơ, cái hồn của thơ; như người ta đã cảm được lời nhạc của Văn Cao, của Trịnh Công Sơn. Nhiều lời của Trịnh Công Sơn nếu phân tích thì thật là tối nghĩa- gọi em cho nắng chết trên sông dài... - bảo cắt nghĩa thì không cắt nghĩa được, bảo cảm thì cảm được. Nguyễn Tất Nhiên có hai câu thơ mà tôi nghĩ Phạm Duy phải là tay thượng thặng mới nhìn ra: Ngồi trong lớp học đắp đôi tay ngà, hoặc: tưởng là hoa hậu, nhưng mà tiểu thơ! Hai câu thơ ấy có thể là của một người điên, người điên thi sĩ. Những bài Tiếng Thu, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Tống Biệt Hành... (là) những bài thơ hay chưa tề chỉnh. Vậy tề chỉnh chưa phải là điều kiện cần và đủ cho một bài thơ hay.

Trở về bài Thăng Long Thành Hoài Cổ: 
Tạo hoá gây chi cuộc hí trường

Chúng ta cũng đã trải qua một cuộc hý trường: 30 tháng 4 1975, nên chúng ta cũng có chung nỗi ngậm ngùi với tác giả.
Đến hai câu thực thì:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Ngày xưa, xe ngựa của các bậc vương tôn đông đúc là thế. Bây giờ chỉ còn trơ lại những cỏ khô mùa Thu. Đường cũ thì lâu đài vào lúc chạng vạng đã thê lương càng thêm thê lương

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương

Đối từng câu từng chữ, mà không có vẻ gì là đối cả. Thần tình là ở chỗ ấy, đối mà không đối! Đi qua Hà Nội nhớ đến người xưa, cảnh cũ lòng bất giác ngậm ngùi. Cho nên bài thơ, tình thật thiết tha, ý thật sâu đậm , nó hay vì thật. Lời thơ trang nhã, ngôn ngữ của Bà Huyện Thanh Quan là ngôn ngữ của thi ca trưởng giả, rất thanh tao đài các. Những chữ trơ gan, chau mặt là những chữ thật thần, không phải muốn có là có được.
Đọc thơ Đường, thú là thế. Ít câu, ít chữ mà ý tứ thật ngậm nguì man mác...
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường.

Bài Họa

bài 1
LẠNH SA TRƯỜNG
Nghĩ xưa đêm xuống lạnh sa trường
Đâu lạnh riêng vì gió với sương
Đất mới buồn chung trời tỵ nạn
Lầu cao bóng lẻ buổi tà dương
Chẳng say đắm mấy sao tha thiết
Thêm nhớ nhung mà lại tiếc thương
Tôi chẳng giống như bà Huyện trước
Đèn thao thức mãi suốt canh trường

bài 2
GIỮA CHIẾN TRƯỜNG
Ai đã vùi thân giữa chiến trường
Bao lần trăng giải mịt mù sương
Cúi đầu ngó xuống tàn canh vắng
Ngửa mặt nhìn lên lạ bóng dương
Sóng chẳng giận ai mà phẫn nộ
Thơ không sao cả cũng bi thương
Cùng ai Thiên Cổ cùng tâm sự
Gửi lại ngàn sau nỗi đoạn trường.
 Huệ Thu

* Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh. Bà sinh trưởng vào cuối triều Lê, đầu nhà Nguyễn. Bà là con của vị danh nho Nguyễn Lý (1755-1837) vốn là một cựu thần nhà Lê.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét