HG: Ngược lại thời gian...
1. Tác giả phần lời ca khúc "Mùa Xuân"
Phan Việt Hùng
MÙA XUÂN
Sáng tác: Phạm Minh Tuấn
Thơ: Elena Shirman
***********************
Điều đó rồi xảy ra, em biết và em biết
Một mai anh chiến thắng trở về
Đôi vai gầy và đôi mắt sâu
Tóc đã điểm bạc, làn da nay rạm màu sương gió…
Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa.
Và từ đây em nhận ra anh
Và từ đây em nhận ra anh
Không phải trong thơ, không phải trong mơ
Em chồm dậy, chạy đến chạy đến rồi khóc...
Anh- người chiến sĩ, và chiếc áo năm tháng dãi dầu
Anh- người chiến sĩ, và chiếc áo mưa nắng bạc màu
Đôi tay bâng khuâng, nâng cành hoa tím
Và anh nói tặng em mùa Xuân..."
Được sự giới thiệu của nhà báo Phạm Hồng Tuyến, tối qua (25/7) cả nhà tôi xem chương trình "Những đứa con của hoà bình" trên VTV1. Một chương trình hay, xúc động, công phu, hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Trong chương trình có NSND Thái Bảo hát bài "Mùa Xuân" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Bấy lâu, tôi vẫn thích bài hát này cũng như nhiều bài khác của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn như: "Bài ca không quên", "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ", "Đất nước"... Lời bài hát "Mùa Xuân" thật đẹp.
Nhưng, cũng thật bất ngờ, khi nhìn vào màn hình, tôi thấy ghi lời bài hát được nhạc sĩ phỏng thơ của Elena Superman. Lần đầu tiên tôi biết thông tin này, bỗng muốn tìm hiểu cho rõ.
Xem nào, cái tên Elena có vẻ gốc Slavơ. Nhưng cái họ Superman thì lạ quá. Superman là Siêu nhân, là nhân vật chuyên mặc quần sịp ra ngoài quần dài, được thằng bé nhà tôi và bọn trẻ con mê tít. Sao lại có cái họ lạ thế nhỉ? Bèn nhờ "cụ Gúc" tìm, thì tìm được bài báo: "Có những bài ca không bao giờ quên", đăng 2/5/2005 trên báo Công an Nhân dân. Tác giả viết:
"Nhà thơ Nga Elena-Superman, sinh năm1908, mất năm 1942, còn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn lại chào đời đúng vào năm tác giả bài thơ nổi tiếng này từ giã cõi đời. Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Và phải đến 41 năm sau, năm 1983, Phạm Minh Tuấn mới được đọc tác phẩm này. Ông say mê từng câu từng chữ trong bài thơ. Dù cho thi phẩm của Elena viết về cuộc chiến đấu của nhân dân Nga chống phát xít, nhưng Phạm Minh Tuấn nhận thấy rất rõ rằng, những nỗi buồn, nỗi đau khổ, đợi chờ của người phụ nữ trong bài thơ cũng giống như tâm trạng của những người mẹ, người vợ Việt Nam. Chiến tranh ở nơi nào trên trái đất cũng gây ra đau thương và li biệt".
Như vậy là đã rõ, "Elena Superman" là một nhà thơ Nga. Vậy, đó là ai?
Sau một thời gian tìm kiếm các kiểu trên mạng tiếng Nga, kết quả là con số không tròn trĩnh. Không có ai có họ tên như vậy.
Thế là đành kỳ công hơn một chút vậy: tìm các nhà thơ nữ Liên Xô (Nga) viết về chiến tranh. Loại trừ, so sánh, rồi phương án được chọn là nữ nhà thơ Elena Mikhailovna Shirman, có năm sinh và năm mất trùng với thông tin trong bài báo đã nêu.
Nhưng, liệu có đúng là Elena Shirman đã sáng tác một bài thơ có tên là "Mùa Xuân", với nội dung giống như lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn hay không?
Kết quả tìm kiếm cho biết, Elena Shirman có sáng tác 2 bài thơ có tên là "Mùa Xuân" vào năm 1924. Nhưng nội dung khác hẳn. Lại phải đọc lướt qua mấy chục bài thơ khác của bà xem sao, với hy vọng khá mong manh.
Và may mắn làm sao, cuối cùng thì tôi cũng đã tìm ra bài thơ "Trở về"( Возвращение) do Elena Shirman viết năm 1941, với nội dung khá giống với lời bài hát "Mùa Xuân" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.
Có thể khẳng định được rằng, do tam sao thất bản thế nào đó, mà tác giả bài báo trên báo Công an Nhân dân, sau đó là nhiều báo khác, các trang mạng, rồi hôm nay là trên VTV đã viết sai họ tên của nữ nhà thơ Xô Viết Elena Shirman thành... Elena Superman. Sự nhầm lẫn thật là tai hại!
Một điều có thể khẳng định nữa, "Trở về" chính là bản gốc của bài thơ đã được ai đó dịch ra tiếng Việt, để rồi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đọc được và phổ nhạc làm nên tác phẩm "Mùa Xuân" nổi tiếng từ gần 40 năm nay.
Đôi nét về nữ nhà thơ - nhà báo Elena Shirman
Elena Shirman sinh ngày 3/2/1908 tại thành phố Rostov trên sông Đông. Elena có thiên hướng văn học từ nhỏ và đã từng được đăng thơ trên các tờ báo địa phương và trung ương (như Oktyabr, Smena...)
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học sư phạm Rostov trên sông Đông năm 1933, cô bắt đầu công việc sưu tầm văn hóa dân gian. Năm 1937, Elena nhập học tại trường viết văn Gorky (Moskva) và tốt nghiệp năm 1941. Thời gian học, cô cộng tác với các tờ báo, NXB và là cố vấn văn học cho tờ Sự thật thiếu nhi (Пионерская Правда).
Elena Shirman (1908-1942), nữ nhà thơ Xô Viết
bị phát xít Đức giết hại dã man trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Khi chiến tranh nổ ra, 6/1941, Elena quay trở lại quê hương Rostov trên sông Đông và làm biên tập viên cho tờ Pryamoi Navodkoi "Прямой наводкой» và Molot (Молот).
Tháng 7/1942, trong một chuyến đi công tác, Elena Shirman đã bị quân phát xít bắt được. Có những thông tin sau này cho biết quân Đức đã lột sạch quần áo, bắt cô phải tự đào huyệt cho chính mình. Nữ nhà thơ 34 tuổi đã bình thản đào huyệt, sẵn sàng đón nhận sự hy sinh.
Năm 1964, cả đất nước Xô viết xúc động khi cuốn Nhật ký của Elena Shirman được tìm thấy và công bố. Năm 1969, các bài thơ trong cuốn Nhật ký này được in vào tuyển thơ "Sống!" (Жить).
Xin quay lại với bài thơ "Trở về" mà chúng ta đã biết đến ở phần trên.
Bài thơ "Trở về" được sáng tác vào năm 1941. Không đề ngày tháng, nhưng chắc chắn là sau tháng 7-8/1941, thời điểm mà Konstantin Simonov sáng tác "Đợi anh về" và bài thơ nhanh chóng nổi tiếng khắp tiền tuyến cũng như hậu phương Liên Xô.
Bởi lẽ, Elena Shirman đã dùng 2 câu của "Đợi anh về" để làm đề từ cho bài thơ của mình. Đó là 2 câu:
Жди меня, и я вернусь,
Только очень жди…
Sau 80 năm kể từ khi Elena Shirman sáng tác "Trở về", đến nay bài thơ vẫn được người Nga nhớ đến và đọc vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5.
Đọc bài thơ thì tôi hiểu nghĩa, nhưng bảo dịch thành thơ thì chịu. Muộn quá rồi, hơn 1h đêm biết cầu cứu ai đây?
May quá, có ông anh nhà thơ, dịch giả Hồng Thanh Quang vẫn còn thức trên mạng. Qua trao đổi ngắn, tác giả của mấy tuyển thơ dịch sốt sắng nhận lời ngay: "Chờ nhé anh dịch luôn". Thử hỏi có mấy người yêu thơ ca và nhiệt tình đến thế?
Sau đây, tôi xin đưa bản dịch nóng hổi, khá hay của dịch giả Hồng Thanh Quang và bản gốc tiếng Nga của bài thơ:
(Không biết ngày xưa ai đã dịch bài thơ của Elena Shirman, và tại sao lại có thêm những câu không hề có trong nguyên bản như: "Bởi chiến tranh không phải trò đùa", "Đôi tay bâng khuâng, nâng cành hoa tím
Và anh nói tặng em mùa Xuân").
Elena Shirman (1908-1942)
(Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga)
KIỂU GÌ ANH CŨNG VỀ
"Đợi anh, anh sẽ về,
Hãy đợi chờ anh nhé"
(Konstantin Simonov)
Rồi sẽ thế, em biết…
Có thể phải còn lâu…
Anh bước vào, khang khác
Cả dáng người, tóc râu…
Đôi môi anh hiền dịu
Khô lại những niềm đau,
Thời gian và chinh chiến
Rèn yếu mềm giúp nhau…
Nhưng nụ cười vẫn vậy.
Đúng anh là anh xưa…
Không phải trong thơ viết,
Không còn là trong mơ…
Em bật dậy, lao ra
Có lẽ em òa khóc,
Như thuở nào, úp mặt
Vào tấm áo sương sa…
Anh đỡ mặt em lên
Và nói, chào em nhé…
Rồi bàn tay là lạ
Vuốt ve gò má em…
Mắt em nhòa trong lệ,
Hạnh phúc đẫm hàng mi…
Phải còn lâu, nhưng chắc
Kiểu gì anh cũng về…
(Năm 1941, nguyên bản tiếng Nga)
ВОЗВРАЩЕНИЕ
Жди меня, и я вернусь,
Только очень жди...
К. Симонов
Это будет, я знаю...
Нескоро, быть может, -
Ты войдешь бородатый,
сутулый,
иной.
Твои добрые губы станут суше и строже,
Опаленные временем и войной.
Но улыбка останется.
Так иль иначе,
Я пойму - это ты.
Не в стихах, не во сне.
Я рванусь,
подбегу.
И наверно, заплачу,
Как когда-то, уткнувшись в сырую шинель...
Ты поднимешь мне голову.
Скажешь: "Здравствуй..."
Непривычной рукой по щеке проведешь.
Я ослепну от слез,
от ресниц и от счастья.
Это будет нескоро.
Но ты - придешь.
1941
Mọi chuyện thế là đã rõ!
Cuối cùng, tôi chỉ mong sao từ nay trở đi, trên báo viết, báo nói, báo hình khi nhắc đến tác giả phần lời của bài hát "Mùa Xuân" thì nhớ sử dụng đúng họ tên của nữ nhà thơ Xô Viết Elena Shirman, chứ đừng viết là Elena Superman nữa nhé!
Nguồn: https://danviet.vn/tac-gia-phan-loi-ca-khuc-mua-xuan-da-tro-thanh-superman-nhu-the-nao-20210726085730254.htm.
2. Một bài thơ của nhà thơ từng mặc áo lính
HG: Vì nhiều lí do, HG không để riêng thành một bài đăng, mà đáng ra là vậy.
Nghĩa trang QĐ Biên Hòa ở Đồng Nai, nay đã sửa sang và mở rộng thành Nghĩa trang nhân dân Bình An. ( Đền Tử sĩ trong NT BH-Ảnh internet) |
Mẹ Nguyễn Thị Thứ 100 tuổi ngồi bên mâm cơm với 9 bộ bát đũa cho 9 người con đã hy sinh. Mẹ vẫn luôn nghĩ rồi sẽ có đứa con trở về (Ảnh năm 2001- internet) |
Mẹ Hoàng Thị Tề, 93 tuổi- thăm mộ con trai ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, sau 35 năm kể từ ngày con trai hi sinh (Ảnh 2019- internet) |
Người mẹ bên nấm mộ mới chôn của con là lính VNCH (1972). Ảnh internet |
Những gì đã qua...
Trả lờiXóaNhững gì còn lại...
Những gì hôm nay...
Và ...
Dạ muốn nói nhiều mà chỉ bấy nhiẻu... Dù sao thì ịch sử đã là một lựa chọn, không có chữ nếu.
Xóa