Trang

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Điều ít biết về tình khúc thế kỷ “Hướng về Hà Nội”

HG: Một câu chuyện thế này: Ngày... tháng... năm...,  chuẩn bị cho biểu diễn văn nghệ kỷ niệm ngày giải phóng Hà Nội 10/10, cô giáo tập cho hai nam sinh trong lớp hát "Hướng về Hà Nội". Hôm duyệt, thầy phụ trách Văn Nghệ rền rĩ: "Sao lại chọn hát bài này hả trời? Bài này ngày xưa bị cấm mãi đấy!!!...". Bla bla, a, b, c, d một hồi, rồi sau rốt hai cậu cũng được cho lên hát trước toàn trường. Hôm đó trên sân khấu, trong trang phục xưa cũ, chàng đứng trên góc nọ, chàng ngồi bậc thềm kia, hòa giọng nam cao nam trầm... Vụng về thôi, có chút non nớt, mà các bạn vỗ tay ầm trời...

Mai là tròn 65 năm giải phóng Hà Nội, blog HG lại chọn "Hướng về Hà Nội". Vì yêu, vì quý, vì  rung động, vì cảm xúc, vì trân trọng, vì thương nhớ... 




      Trong số các ca khúc viết về Hà Nội, “Hướng về Hà Nội” được đánh giá là ca khúc trữ tình vào loại bậc nhất. Những ca từ, giai điệu và hình ảnh trong ca khúc toát lên vẻ đẹp hào hoa rất đỗi đặc trưng của người Tràng An. Bao năm qua, ca khúc vẫn luôn làm đắm say người Hà Nội và cả khách phương xa khi đặt chân đến mảnh đất này. Nhà thơ Ý Nhi, dù chưa một lần gặp nhạc sỹ Hoàng Dương nhưng năm 1994 khi vô tình được nghe tác phẩm này đã thốt lên: “Hà Nội của nhạc sỹ Hoàng Dương là một người tình. Các tiếng thì thầm “Hà Nội ơi” cứ lặp lại trong bài hát là tiếng gọi người yêu, nó khiến mỗi tấm lòng yêu nhói đau…”.


Nhạc sỹ Hoàng Dương chia sẻ về ca khúc Hướng về Hà Nội trong buổi ra mắt MV cùng tên do ca sỹ Minh Đức thể hiện. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Nhấn để phóng to ảnh
Nhạc sỹ Hoàng Dương chia sẻ về ca khúc "Hướng về Hà Nội" trong buổi ra mắt MV cùng tên do ca sỹ Minh Đức thể hiện. Ảnh: Nguyễn Dũng.

      Ca khúc đã từng được nhiều giọng ca thể hiện như nữ nghệ sỹ Thái Thanh, Kim Tước, tài tử Ngọc Bảo, Duy Trác… sau này có danh ca Thu Hà, Ánh Tuyết, Lê Hằng, Khánh Hà, Thanh Hằng, Lệ Thu, Khánh Ly, Hồng Nhung, Nguyên Thảo. Về giọng nam có NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ, NSƯT Quốc Hưng, Phạm Văn Giáp và mới đây là nam ca sỹ Minh Đức. Năm ngoái, ca khúc này còn được nữ nghệ sĩ Violon Cello Đinh Hoài Xuân cùng clarinet Trần Khánh Quang và piano Vũ Ngọc Linh thực hiện dưới dạng MV.
     Với nhạc sỹ Hoàng Dương - “cha đẻ” của ca khúc này thì mỗi giọng hát đều mang đến cho ông một cảm xúc riêng. Tuy nhiên, để hát được ca khúc này người hát phải thực sự rung động và thấm thía cái tình trong đó. Ca khúc này được nhạc sỹ Hoàng Dương viết xong trong một đêm khi đi sơ tán ở vùng ngoại thành. Khi vừa sáng tác xong ông liền tìm cách gửi bản thảo vào nội thành cho người bạn của mình là nhạc sĩ Hoàng Trọng. Và nghệ sỹ Kim Tuyết, danh ca thời đấy là người đầu tiên hát ca khúc này. Sau danh ca Kim Tước còn có nam nghệ sỹ Duy Trác và tài tử Ngọc Bảo…
      Nhạc sỹ Hoàng Dương chia sẻ: “Tôi viết ca khúc vào giai đoạn cuối 1953 đầu 1954. Lúc đấy, Hà Nội chưa giải phóng và đó là cái tích lũy kết tủa của hai lần xa Hà Nội. Lần đầu tiên là khi tôi mới 14-15 tuổi, tham gia đoàn Tuyên truyền văn nghệ Thiếu sinh quân Hà Nội lúc bấy giờ đoàn cùng nhân dân Thủ đô đã tản cư về vùng nông thôn. Đoàn của chúng tôi cũng vậy, đoàn có nhiệm vụ là sau mỗi lần bộ đội đánh ở trong nội thành rút ra thì chúng tôi sẽ đến phục vụ. Lúc bấy giờ cứ đi từ mạn đồi núi ra đi về hướng Hà Nội thì mới tới chỗ đơn vị các anh đóng quân. Từ Vân Đình nhìn về Hà Nội thì gần lắm, quầng sáng ở Hà Nội gây một cái nỗi nhớ ghê gớm. Phục vụ xong lại quay trở vào về miền đồi núi. Trong đoàn toàn người Hà Nội cả ai cũng có cái nỗi nhớ ghê gớm.
     Lần sau, lúc bấy giờ tôi hoạt động trong đoàn Thanh niên cứu quốc nội thành đi vận động văn nghệ sĩ trí thức chống di cư về nam. Không biết ai nói ra nên mình bị phát hiện, bị nó sục đến nhà tìm bắt, thế là phải trốn về ngoại thành. Đúng thời điểm đấy lại đang có một quan hệ với bạn gái rất thân. Cứ đến buổi chiều dẫn nhau lên hồ Tây, hồ Trúc Bạch ngồi ngắm cảnh. Quen sinh hoạt như thế tự nhiên lại trốn biệt thế cho nên cảm giác như bị tù giam lỏng. Ở ngoại thành vẫn nhìn thấy hàng đèn giăng mắc lại nhớ về nội thành. Thành ra bài hát mới có câu mở đầu “Hà Nội ơi hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi" là vì thế”.
          Theo nhạc sỹ Hoàng Dương, sau này ông đã bị mất liên lạc với người bạn gái thân thiết đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác ca khúc. Ông đã rất nhiều lần đi tìm người bạn gái này, kể cả vào tận miền Nam nhưng đều không liên lạc được. Sau này, khi đã lập gia đình ông cũng phóng ảnh người bạn gái đó treo trong nhà, vợ ông biết chuyện nhưng cũng không hề có bất kỳ phản ứng nào. Ông nhấn mạnh: “Tôi viết bài này chỉ có trong một đêm, tất cả nỗi nhớ nó vò xé trong tâm trạng mình, tích tụ trong hai giai đoạn xa Hà Nội, cô đọng trong những bài ca”.
       MV “Hướng về Hà Nội” do ca sỹ Minh Đức thể hiện vừa ra mắt gây xúc động với hình ảnh về những người phụ nữ nơi hậu phương trong thời chiến luôn mỏi mòn đợi chờ những bức thư, sợi dây mỏng manh duy nhất nuôi dưỡng niềm tin của họ đối với người thân của mình nơi tiền tuyến.
      MV đã cố gắng thể hiện một cách giản dị nhất và cũng cố gắng kể chuyện về Hà Nội một cách "riêng" nhất có thể. Để có được những điều này, trong quá trình viết kịch bản, êkíp đã đến gặp nhạc sĩ Hoàng Dương, ngồi nghe ông nói về lý do, về những cảm xúc của ông khi sáng tác bài hát đó… để có thể cảm bài hát chân thật nhất rồi mới cầm bút viết kịch bản.
       Đặc biệt, nhạc sĩ Hoàng Dương xuất hiện trong MV với tư cách là một diễn viên minh họa. Mặc dù, đã xuất hiện trong các chương trình giới thiệu nhạc phẩm “Hướng về Hà Nội” nhưng đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trong vai trò là một diễn viên tham gia diễn xuất trong MV.
Hà Tùng Long (Dân trí)


2 nhận xét:

  1. Ca khúc "Hướng về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Dương rất hay!
    Cô giáo ấy chính là Hoa Giấy chăng?
    Hi hi hi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn DVD đã chia sẻ ạ!
      HG ấy ạ? HG cũng thích là cô giáo ấy. DVD nghĩ sao cũng được ạ! Phần HG thấy cứ thực thực hư hư là hay nhất! ^^

      Xóa