Lê Đạt
HG: Định viết một đoạn cảm nghĩ, nhưng thôi... nên để vậy thôi đã!
Không tận xanh thơ thở trắng trời.
Ánh nắng quái xiên khoai trên mặt người cố đánh chìm đời mình trong sóng rượu... làm Thôi Hiệu bừng tỉnh.
Cơn tỉnh rượu vào buổi xế chiều thật não ruột. Chưa bao giờ Thôi Hiệu cảm thấy chiến bại như lúc này. Cuộc đời như con thuyền rời bến phía Dương Châu hoa khói bỏ rơi kẻ nhỡ đò trên bến lạ. Văn hay chữ tốt làm gì...
Cái bằng tiến sĩ chỉ đem lại cho Thôi một chức quan nhỏ với bao nhiêu hệ lụy.
Tài hoa làm gì... Nếu tài hoa ấy chỉ để làm những câu thơ đèm đẹp đủ quyến rũ đám nữ nhân chuộng hư danh hay đám nhà thơ dễ tính. Nói gì so sánh với Lý Bạch, Đỗ Phủ. So sánh với Lưu Trường Khanh, Vương Xương Linh, Thôi Hiệu cũng còn xa mới với tới.
Thôi vẫn nhớ đêm cầm ca mùa trăng ấy, đệ nhất giai nhân Tây Hồ chỉ hát toàn thơ Vương Chí Hoán... Danh sĩ đất Biện Châu bỗng có cái cảm giác xót xa của một trượng phu thấy người yêu ngoại tình ngay trước mắt và chén bồ đào mỹ tửu đêm ấy đột nhiên đắng ngắt như có ai vô tình bỏ vào đó một trái bồ hòn.
Người ta đã quên Thôi ngay lúc sinh thời.
Cái giống nhà thơ kể cũng lạ nếu không nói là hâm, là chập mạch. Bao nhiêu đền đài miếu mạo, lăng tẩm đồ sộ đã bị thời gian xóa sạch, thế mà một bọn ngông cuồng, không một xu dính túi, với trang giấy mỏng và mấy ký hiệu loằng ngoằng vô dụng dám đánh một canh bạc lớn với thời gian, ôm cuồng vọng cầm giữ bất tử trong một kỳ trận chữ.
Và cũng thật trớ trêu, hình như không ít những giai nhân, những vương triều hùng mạnh, những chiến tích hiển hách thời xưa sở dĩ lưu lại được hậu thế cũng là nhờ mấy con chữ gió thổi bay của đám cuồng sĩ kia. Thôi Hiệu đã từng ôm giấc mộng lớn lao và Thôi gần như tuyệt vọng. Đã nhiều lần Thôi xé giấy, quăng bút, đập vỡ nghiên mực thề không bao giờ lại làm thơ nữa.
Nhưng thơ nó như một nghiệp căn khủng khiếp cứ bắt Thôi phải đeo đẳng cái án khổ sai vô thời hạn kia. Hay kiếp trước Thôi đã làm điều gì thất đức?
Mà nào có ai hiểu được nỗi lòng của Thôi.
Một người bạn thân đã chỉ vào mặt nhà thơ quát lên khi rượu đã vơi trong bình:
- Mày là thằng không biết điều... Cả vùng Giang Nam này nhiều người chỉ thèm làm được một bài thơ như của mày cũng đã cho là tột vời hạnh phúc!!!
Biết nói thế nào với ông bạn bây giờ? Kể nhiều lúc ngồi múa bút giữa bầy cung văn một chữ lè lưỡi khen hay, hai chữ xuýt xoa khen tuyệt cũng khoái... Để lúc tỉnh đồng lại càng dằn vặt càng xót xa với câu hỏi tàn nhẫn:
“”
Ôi, trong cuộc Maratông với thời gian không gì nản hơn sự cầm bằng là tất cả những câu thơ của mình đều lần lượt bỏ cuộc.
Thôi nhìn mấy chữ đại tự Hoàng hạc lâu nét bút gân guốc mà bay múa tựa nét bút Vương Hi Chi. Ánh chữ chiếu vào nền thiếp vàng khiến những chữ lung linh như khởi động. Thôi Hiệu chua chát: Một trăm năm sau công trình tuyệt tác này chỉ còn là gò đống và cỏ dại... Có lẽ cả tên Lầu hạc vàng cũng chẳng còn ai nhắc tới nữa...
Cảnh đẹp như không tưởng. Mây trắng bay cả vào chung rượu. Xa kia là đất Hán Dương, những hàng cây đứng thẳng tắp như đạo quân vào lúc Hàn Tín điểm binh... Và bãi Anh Vũ cỏ xanh mởn như lông tơ má con gái.
Chẳng lẽ tất cả rồi sẽ bị thời gian tàn phá hết? Biết đâu... Biết đâu tất cả sẽ còn sống mãi nhờ mấy dòng chữ của Thôi. Nhà thơ đứng tuổi bỗng thấy lòng bồn chồn khó tả. Thách thức mới to lớn nhưng cũng hấp dẫn làm sao. Thôi thì không thành công, ít nhất cũng được hưởng cái say của một giấc mộng lớn... Như người cổ xưa, chắp hai cánh vào tay bay lên giữa man mác trời rộng... Và chết cùng mây trắng...
Thôi bỗng mỉm cười nửa hài hước nửa ngậm ngùi. “Có khi làm xong bài thơ này mình sẽ từ trên Lầu hạc vàng nhảy xuống... lấy cái chết của nhà thơ đa mang thế mạng cho những con chữ bất đắc.
Và Thôi cầm bút. Viết gì bây giờ? Những chữ đầu lòng mới khó làm sao! Tay ông rùng rùng. Mồ hôi và rượu vã ướt đầm. Thôi cảm thấy người bừng bừng như say rượu. Có lẽ còn say hơn rượu.
Ông không nhìn thấy ngọn lầu, không nhìn thấy dòng sông, không nhìn thấy cảnh vật xung quanh... Ông cố trấn tĩnh nhưng không trấn tĩnh được. Hình như có một người nói trong đầu ông. Tiếng quen lắm... Nói gì vậy? À, nó đọc thơ. Ông có cảm giác như một diễn viên quên lớp nghe tiếng người nhắc vở trong cánh gà. Tay ông như tuân theo mệnh lệnh của kẻ khác và nó lượn nó múa nó viết gì thế kia, dưới thôi thúc một mãnh lực kỳ bí không cưỡng lại được.
Bài thơ xong lúc nào Thôi cũng không hay. Khi đọc lại ông bỗng bàng hoàng. “Bài thơ tuyệt vời này có thật của chính ông hay của ai?” Làm sao ông có thể viết nổi những câu thơ trác tuyệt đến thế! Chúng có thể sánh với những câu thơ đẹp nhất từ ngàn xưa không chút xấu hổ. Ai đã gà cho ông. Hay là những chữ bỗng biến hóa, tung hoành, tự tin ở thân phận bất tử của chúng đã nhập vào bất cần ông. Nhà thơ đã viết nên chúng hay chúng đã viết nên nhà thơ? Lòng tràn ngập một niềm hân hoan và tri âm vô hạn, Thôi Hiệu quỳ xuống kính cẩn chắp tay lạy những chữ đang lấp lánh trên tường.
Chữ đã dẫn ông gặp bất tử trong khoảnh khắc kỳ ngộ.
Thời đó chưa có hệ thống phát hành sách cũng như các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại như bây giờ nhưng bài Lầu Hạc Vàng của Thôi Hiệu đã nhanh chóng truyền đi khắp Trung Quốc. Những ăng ten cực nhạy là tai của giới yêu thơ đã bắt ngay được tần số của nó và người ta lập tức phát miệng phủ sóng toàn quốc... mở đầu cho cơn dịch Hoàng Hạc lâu.
Tên tuổi Thôi Hiệu bỗng sáng chói như một thiên thạch bay trên nền trời tưởng chừng át cả Lý Đỗ.
Ở đâu cũng thấy nói đến “Hạc vàng đi mất từ xưa... ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay”. Vô phúc cho kẻ sĩ nào không thuộc lòng bài thơ này. Anh ta lập tức bị xem khinh mười lăm phút và vĩnh viễn khai trừ khỏi hàng ngũ tao nhân mặc khách.
Một hôm Thôi Hiệu đi thăm một người bạn làm quan tại một địa phương nọ. Gió mùa thu bay lá cuốn theo ngọn tửu kỳ xào xạc của một quán rượu khiến nhà thơ không đành lòng bước qua. Ôi những lá cờ rượu, nó mới đình đám, mới mời đón làm sao! Hình như chỉ có ở Trung Quốc người ta mới treo cờ trước các hàng rượu ngày nọ sang ngày kia như vậy. Lá cờ lúc nào cũng bay... cũng say. Có phải câu thơ Nam vô tửu như kỳ vô phong là xuất xứ từ những lá cờ rượu tưng bừng như cờ lễ hội này.
Rượu ngon, món cá nướng lại tuyệt. Thôi Hiệu mềm môi đánh chén mãi cho đến lúc tửu nhị đến tính tiền cho tay vào túi mới biết nó đã rỗng.
Mặc dù nhà thơ đã hết lời nói khó với tên tửu nhị và cam đoan rằng khi gặp người bạn là Vương tri phủ nhậm chức tại đây sẽ cho người đến thanh toán gấp đôi, ông cũng không lay chuyển được lập trường sắt đá của tên hầu bàn. Cũng chẳng nên trách nó. Đời thiếu gì kẻ ăn quỵt mặt mũi còn phương phi, ăn vận còn bảnh bao hơn Thôi Hiệu.
Lý luận của nó rất đơn giản. “Ngài đã ăn thì phải trả tiền, không có tiền thì gửi khăn áo ở lại”. Và nói đi đôi với làm, nó sấn tới định lột luôn khăn áo nhà thơ.
Thấy ồn ào, chủ quán chạy tới. Khi nghe khách nói là bạn Vương tri phủ và nhất là tự xưng danh Thôi Hiệu, chủ quán mừng quá líu cả lưỡi:
- Ngài có phải là Thôi Hiệu... ấy không?
Và khi biết khách đúng là Thôi chính hiệu, chủ quán bèn quát tiểu nhị bày thêm rượu và mấy món nhậu thượng hạng ăn mừng thời cơ ngàn năm có một hạnh ngộ với đệ nhất danh sĩ.
Thôi Hiệu đành làm một suất tiệc đúp... Và chép tặng chủ quán một bài Hoàng Hạc lâu. Chủ quán xuýt xoa mãi như được một đặc ân, tất nhiên không dám tính tiền mà còn biếu nhà thơ lớn khoản bạc vụn làm lộ phí.
Và bài thơ Hoàng Hạc lâu gần như trở thành một thứ các tín dụng với tài khoản vô hạn cho phép Thôi chu du qua hầu hết các ca lâu tửu quán loại “năm sao” khắp miền tổ quốc. Và trung tâm nào không có bài Hoàng Hạc lâu do chính tay Thôi Hiệu đề tặng trên vách sau những ngày hành lạc thoải mái và cả khoản phong bì hậu hĩ đương nhiên là bị giáng cấp đến mấy sao.
Thôi Hiệu đắt hàng quá nên lập tức nảy sinh ra phong trào Thôi Hiệu dỏm không sao dập tắt được. Bắt chước nét chữ Thôi Hiệu nào khó khăn gì. Sử chép vào thời đó nguyên vùng Giang Nam đã có ngót nghét một vạn Thôi Hiệu.
Không chỉ có giới chủ khách sạn và ca lâu chuộng Thôi Hiệu như một phương tiện quảng cáo đặc hiệu, giới trí giả cũng hâm mộ ông không kém. Thôi Hiệu đã trở thành một hiện tượng.
Ai cũng biết Đường Tư Không là một vị quan đại thần giàu sang nhất nước, đồng thời cũng là một nhà nho nghiêm cẩn đến mức cố chấp. Nhất cử nhất động gia pháp họ Đường đều như diễn tả những lời dạy của cụ Khổng. Nhưng họ Đường lại có tật yêu thơ. Ông muốn mời Thôi Hiệu đến chơi lắm. Nhưng cái tai tiếng của Thôi cũng đồng cân đồng lạng với danh tiếng của nhà thơ. Nghiện chè, nghiện rượu, nghiện cả đàn bà... Một nhà nho chính danh như Đường không thể tiếp Thôi Hiệu tại nhà mà không ảnh hưởng xấu đến gia pháp. Họ Đường bèn xây riêng một căn hộ thoáng mát với đầy đủ tiện nghi để tiếp một mình nhà thơ bạc hạnh danh. Thôi thì hắn ta có bậy bạ gì thì bậy bạ tại đó. Để đền đáp mắt xanh của Đường Tư Không, Thôi Hiệu chép tặng ông... lại... một bài Hoàng Hạc lâu.
Dịch Hoàng Hạc lâu không những ảnh hưởng không tốt đến giới làm thơ trẻ... Những bài Hoàng Hạc lâu con cháu, chút chít sòn sòn đua nhau ra đời. Cũng chẳng sao... Với thời gian, nhà thơ trẻ nào có chân tài sẽ tìm thấy tiếng nói lập nghiệp của mình như những người con đến tuổi trưởng thành từ biệt bố mẹ ra ở riêng. Điều đáng lưu ý là nó ảnh hưởng ngay tới sáng tác của Thôi. Từ sau bài Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu cũng viết rất nhiều nhưng bài nào cũng bị Hoàng Hạc lâu làm nghẹt thở. Bản thân Thôi Hiệu cũng run... Ra bài này liệu có bị hại đến hình ảnh tác giả Hoàng Hạc lâu của mình không? Và ông lại xé... lại viết... lại xé... Hàng chục năm trời Thôi Hiệu vẫn chỉ chép tặng tri kỷ thập phương một bài Hoàng Hạc lâu.
Vả lại người ta cũng có đòi tiết mục khác đâu.
Không ai biết thảng hoặc vào những lúc canh khuya thức giấc Thôi Hiệu căm giận bài Hoàng Hạc lâu đến mức nào. Bài thơ hình như đã chiếm đoạt cả cuộc đời làm thơ của ông. Nhưng có thật là ông căm giận nó không, Thôi Hiệu thở dài. Té ra mình đã về hưu từ buổi Lầu Hạc Vàng. Thôi Hiệu cố vùng vẫy. Nhưng vô hiệu... Chiếc đĩa đã thành rãnh và đầu kim đành chạy theo lối cũ.
Nói thế thôi chứ Hạc Vàng vẫn còn ăn khách chán. Và Thôi Hiệu có thể sống suốt đời một cách sang trọng nhờ bài thơ. Một nhà triệu phú quá hâm mộ còn mở một cuộc thi lớn: “Ai viết được một bài Lầu Hạc Vàng hay hơn bài của Thôi Hiệu sẽ được tặng một nghìn cân vàng”.
Hôm chung kết các tao nhân mặc khách đến đông chẳng khác gì thi hoa hậu. Nhất là khi mọi người được tin cả Lý Bạch cũng tham dự.
Không ai biết lý do sâu xa gì đã dẫn Lý Trích Tiên tới đây. Theo giới am hiểu thì đó là vì rượu.
Triệu phú đã tinh quái đánh vào tính hiếu tửu của Lý. Nhà thơ này có thể xem khinh công danh phú quý, thậm chí coi thường cả tính mạng mình nhưng ông xót từng giọt rượu quý.
Mà rượu của nhà triệu phú thì còn trên mức quý và gần như độc nhất vô nhị. Đó là thứ rượu lồ ô hảo hạng cất từ bên Tây vực, phải vận chuyển trong mười chiếc túi da bọc ngoài đựng nước mỗi ngày thay một lần và phải mất một trăm con tuấn mã thay nhau đi nhật dạ không nghỉ và khi đến Vũ Xương lập tức phải hạ thủy sâu dưới mười thước nước để nhiệt không làm khê rượu. Chính vì vậy mà người ta còn gọi nó là Bách mã tửu. Thứ rượu này tay cao thủ nhất cũng chỉ năm chung là say đừ, một ngày mới tỉnh.
Quả như triệu phú đã dự đoán, không ai trên tài Thôi Hiệu. Các nhà thơ đã làm đủ trò. Người thì cho đảo mây trắng lên trên hạc vàng, người thì thay “Hán Dương sông tạnh cay bầy” bằng “chiều sông sương mù mịt” và “cỏ xanh Anh vũ” bằng “thảm cỏ héo tàn mùa thu” đủ kiểu nhưng không bài nào thoát khỏi quỹ đạo của bài Hoàng Hạc lâu. Tất cả dù đẹp đến đâu cũng phảng phất một mùi thức ăn hâm lại.
Chỉ còn Lý Bạch. Mà sao đến giờ này Lý vẫn chưa tới? Mọi người đều chờ đợi hồi hộp. Cái nhà thơ đánh vỡ chén ngọc trên trời phải đẩy xuống trần giới, người dám ngang nhiên đưa chân sai Cao Lực Sĩ cởi giày, bắt Dương Quý Phi mài mực... Lý chưa tới nhưng huyền thoại về ông đã lừng lững giữa nhà như bộ phận tiền trạm hùng hậu... Cử tọa đang ồn ào bỗng im phắc. Một người già tóc râu lông mày trắng xóa như cước khoác một chiếc áo vàng bước vào nhà. Chủ nhân thân chinh ra giếng kéo rượu lên trịnh trọng đem đến trước mặt Lý. Ông mở nút hít một hơi dài, mặt hớn hở như trẻ được mẹ cho kẹo. Rượu thơm quá... Và ông rót rượu uống luôn. Một chén rồi hai chén rồi ba chén... Cứ cái đà này thì có khi ông làm hết cả vò rồi nằm lăn ra ngủ không biết chừng.
Thánh hiền bặt dưới cỏ xanh
Riêng phường bợm rượu lừng danh để đời.
Người đã xếp rượu trên cả tư tưởng của thánh hiền, người ấy dám làm việc ấy lắm.
Nhưng chủ nhân tinh ý đã bày giấy mực trước mặt ông. Lý cười: “Làm thơ hả?” rồi lại uống tiếp một chén nữa. Dường như rượu đã thấm, Lý cởi khuy áo, cầm bút lên tay, nhìn mọi người. Thôi Hiệu cảm thấy ông hơi nheo mắt nhìn mình một cách tinh nghịch.
Kể cũng lạ, khi Lý uống rượu thì mọi người mải mê tham quan ông như một kỳ tích thứ tám của thế giới. Nhưng khi ông bắt đầu cầm bút, cử tọa lập tức chia làm hai phe... Phe chống Lý Bạch và phe chống Thôi Hiệu. Và người ta bỗng nhìn nhau một cách khác lạ, nếu không phải là quyết liệt. Người ta bắt đầu chuyển chỗ tập hợp lực lượng. Có người đã xắn tay áo.
- Phen này Lý tiên sinh nhất định sẽ dạy cho Thôi Hiệu một bài học biết thế nào là lễ độ.
- Có lẽ lần này ông Lý kềnh cũng nên...
Còn Thôi Hiệu thì căng thẳng như thủ quân một đội bóng bất ngờ lọt vào chung kết một giải Mundial chờ hiệu còi trọng tài mở đầu cuộc tranh hùng.
Riêng Lý Bạch vẫn thản nhiên hỏi triệu phú:
- Chủ nhân này, mấy chung thì say?
- Dạ, năm chung.
- A, thế thì còn hai nữa...
Ông nghiêng vò rót luôn hai chung tợp hai hớp như người khát nước và bắt đầu động bút.
Nét bút sắc như toát ra hơi thép lạnh của một thanh kiếm báu khiến một số người rùng mình hơi lùi lại. Người ta chưa kịp đọc xem ông viết gì thì Lý Bạch đã quẳng bút nằm xuống sập ngủ.
Bài thơ vẻn vẹn có hai câu:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
Trước mắt có cảnh không nói được
Vì thơ Thôi Hiệu đề trên đầu
Bảo hơn bài Hoàng Hạc lâu thì không phải.
Bảo kém thì không ai dám.
Vì nó khác, hoàn toàn khác.
Hơn một chục năm nay mới có một người làm thơ Hoàng Hạc lâu hậu Thôi Hiệu khác lạ như vậy.
Mọi người chưng hửng vì một trận đọ tài đã kết thúc ngoài dự kiến của tất cả. Họ tiếc cho nhiệt huyết không có đất dụng võ, cho cuộc đấu có thể muôn phần quyết liệt, gay cấn, hào hứng... với những cú sút tuyệt vời. Nhưng hầu như tất cả đều rưng rưng một lòng cảm phục vô hạn.
Nhún nhường mà khí phách. Dung dị mà kỳ lạ, khiêm cung mà siêu phàm. Vẻn vẹn hai câu mà bao la bài học về thi pháp.
Thôi sững sờ... tưởng như Lý Bạch không phải nói về cảnh mà nói về Thôi Hiệu. Chính bài Hoàng Hạc lâu đã đè lên đầu Thôi Hiệu bao nhiêu năm trời như một nghiệp căn. Nhà thơ đã bị chính mình cầm tù. Ông chợt nghĩ tới câu nói lạ tai của Đại sư Tuệ Giác: “Hãy quẳng mình đi như một cái bị rách”.
Lý Bạch nằm ngủ, mồ hôi toát cùng hơi rượu thơm lừng, hình như cả người ông là một vò rượu quý, râu tóc phơ phất như mây trắng, chân gác lên mâm vàng đẩy những thỏi kim quý rơi cả xuống đất... Thôi Hiệu lẩm bẩm:
- Người xưa cưỡi hạc đi... người xưa đã cưỡi hạc về nằm ngủ đây chăng?
Ông bỗng nhăn mặt. Trong phút thư giãn nhất, Thôi Hiệu vẫn chưa thoát khỏi lầu Hoàng Hạc.
(Từ tập truyện ngắn "Hèn đại nhân"- Nxb Phụ nữ 1997)
------------------------------------
(*) Bài thơ Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu):
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa:
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!
Một số bản thơ dịch:
1. Tản Đà:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
2. Ngô Tất Tố:
Người xưa cưỡi hạc đã cao bay,
Lầu hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn,
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng,
Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dày.
Trời tối quê hương đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây.
3. Trần Trọng San :
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời, mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy,
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời, mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy,
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.
4. Nguyễn Khuê:
Cưỡi hạc người xưa đi đã lâu,
Còn đây Hoàng Hạc chỉ trơ lầu.
Hạc vàng biền biệt từ xưa ấy,
Mây trắng lững lờ đứng mãi sau.
Sông tạnh Hán Dương cây lắng bóng,
Bãi thơm Anh Vũ cỏ tươi màu.
Chiều buồn quê cũ nơi nào nhỉ?
Khói sóng trên sông giục khách sầu.
5. Khương Hữu Dụng:
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi !
Hạc vàng một đi đã đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá ?
Khói sóng trên sông não dạ người.
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi !
Hạc vàng một đi đã đi biệt,
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá ?
Khói sóng trên sông não dạ người.
Hay quá, cả thơ và truyện!
Trả lờiXóaDạ, HG đăng vì thấy hay quá!
Xóa