HG: "Người ta chỉ nghe nhạc Richard Clayderman khi không sành sỏi cho lắm về âm nhạc", "Richard không phải nghệ sĩ dương cầm cổ điển đúng nghĩa".
Mình ở trong số những người "không sành sỏi cho lắm về âm nhạc". Vậy nên lúc nào thích nghe cứ nghe đi, cứ trung thực với chính mình đi!...
Cảm ơn ông đã tăng thêm ý vị cho một thế giới âm nhạc vốn đã đa sắc màu.
Richard Clayderman được đánh giá là người nghệ sĩ làm việc miệt mài nhất để phổ biến nghệ thuật dương cầm ra đại chúng kể từ Beethoven. Với đa số công chúng, những nốt nhạc của ông tạo nên những giai điệu êm ái tuyệt đẹp, đưa mọi người tới được với dương cầm…Nhưng điều gì mới khiến ông thực sự được trao danh hiệu: “nghệ sĩ dương cầm thành công nhất thế giới”?
Bản nhạc tuyệt vời Khu vườn bí mật với những nốt nhạc vô cùng thăng hoa
Vào một ngày đẹp trời năm 1976, một chàng trai trẻ có đôi mắt xanh biếc hiền dịu, mái tóc vàng bồng bềnh được Olivier Toussaint, nhà sản xuất đĩa ghi âm người Pháp và đối tác là Paul de Senneville đề nghi thu âm một bản ballad chơi với piano thật êm dịu, để tặng cho cô con gái sơ sinh tên là Adeline của Senneville.
Và khi chơi thử cùng 20 chàng nghệ sĩ piano khác, chàng trai trẻ Clayderman 23 tuổi được chọn vì “trông rất đẹp trai, một nghệ sĩ có tài bấm phím thật nhẹ nhàng với kỹ thuật cao”.
Quả thật, khi chàng trai trẻ ngước đôi mắt xanh hiền dịu khỏi cây đàn dương cầm và nhẹ nhàng mỉm cười với khán giả, bàn tay vẫn lướt nhẹ trên phím đàn những giai điệu du dương, Philippe Pagès (tên thật của Richard Clayderman) đã tạo nên cơn sốt mà chính nhà sản xuất không thể tưởng tượng được.
Thế là cuộc đời thay đổi với bản nhạc “bom tấn” Ballade pour Adeline
Ngay thời điểm ấy, ông bầu nổi tiếng “mát tay” Olivier Toussaint dù tự tin với quyết định của mình, cũng chỉ khiêm tốn đưa ra dự đoán: “Khi ký hợp đồng với anh ấy, tôi có nói là nếu chúng ta bán được 10.000 bản đã là tuyệt vời, bởi lúc ấy nhạc disco đang rất thịnh hành và chúng tôi không dám cá một bản ballad như thế lại chiến thắng”.
Nhưng thực tế là bản nhạc êm dịu này đã là một “bom tấn” vào năm 1976 khi bán được tới 22 triệu bản tại 38 quốc gia, đưa chàng trai trẻ 23 tuổi Philippe Pagès bước đến danh tiếng toàn cầu với nghệ danh Richard Clayderman.
Được đào tạo bài bản về âm nhạc cổ điển từ nhỏ, nhưng Richard Clayderman nhanh chóng chuyển hướng sang âm nhạc đương đại
Từ khi còn rất bé, Clayderman đã theo học đàn piano với cha vốn là một giáo viên dạy đàn piano. Năm 12 tuổi, Clayderman được nhận vào trường Âm nhạc Paris, tại đây ông trở thành nổi tiếng vào những năm trưởng thành.
Gặp nhiều khó khăn về tài chính, bị thúc bách từ bệnh tật của người cha và cản trở sự nghiệp đầy hứa hẹn của một nghệ sĩ piano cổ điển.. để kiếm sống, Clayderman vừa làm nhân viên ngân hàng vừa làm người đệm đàn trong các ban nhạc đương thời. Ông đệm đàn cho các ca sĩ nhạc Pop nổi tiếng của Pháp là Johnny Hallyday, Thierry Leluron, và Michael Sardou.
Đệ nhất phu nhân nước Mỹ tôn xưng ông là Hoàng tử lãng mạn.
Bản nhạc vô cùng lãng mạn À comme amour – Tặng cho điều giống như tình yêu
Richard Clayderman từng nhiều lần kể về sự tích này. Ông chia sẻ, câu chuyện đó ra đời ở New York năm 1988. “Lần đó, tôi trình diễn tại Waldorf Astoria cho một buổi hòa nhạc và vị chủ tịch của buổi từ thiện đó hóa ra là bà Nancy Reagan, vị đệ nhất phu nhân trước đây của nước Mỹ. Sau buổi hòa nhạc, bà ta cảm ơn tôi và nói “Anh biết không Richard, anh thật sự là một Hoàng tử lãng mạn. Truyền thông đã đưa lại tin đó với tựa đề Hoàng tử lãng mạn.”
Những tình cảm lãng mạn, khuôn mặt đẹp đẽ với đôi mắt xanh biếc và phong cách biểu diễn độc đáo khiến Richard Clayderman gặt hái thành công hiếm nghệ sỹ nào đạt được. Ông là nghệ sỹ dương cầm ăn khách nhất mọi thời đại.
Chàng lãng tử lãng mạn nhưng làm việc nhiều hơn bất cứ nghệ sĩ nào để phổ biến dương cầm ra công chúng
Clayderman đã ghi âm được hơn 1.200 giai điệu và đã tạo ra một phong cách lãng mạn mới qua việc kết hợp kỹ thuật biểu diễn riêng điêu luyện của ông giữa classic và nhạc Pop tiêu chuẩn. Ông đã dành phần lớn thời gian tổ chức hòa nhạc và làm hài lòng các fan như việc biểu diễn 200 sô trong 250 ngày. Đến nay ông đã đạt đến kỉ lục về doanh số bán được gần 90 triệu, và kỉ lục 267 đĩa Vàng và 70 đĩa Bạch kim. Ông rất thành công và nổi tiếng ở Châu Á.
Sách Guiiness về Kỹ Lục Thế Giới xem ông là Nghệ Sĩ piano Thành Công Nhất Thế Giới.
Sách Guiiness về Kỹ Lục Thế Giới xem ông là Nghệ Sĩ piano Thành Công Nhất Thế Giới.
Lý giải cho lao động miệt mài của mình, ông nói: “Tôi yêu khoảnh khắc được trình diễn trên sân khấu, vì tôi muốn tiếp xúc trực tiếp với khán giả của tôi. Trong buổi hòa nhạc, với 10 nhạc công hoặc một dàn giao hưởng, tôi thích được pha trộn những nhịp điệu, giai điệu và phong cách khác nhau để khơi gợi mọi cảm xúc.
Một con đường để đến gần với công chúng hơn
Marriage d’amour – Đám cưới bởi tình yêu
Thực tế, ở thời của ông, âm nhạc cổ điển là con đường duy nhất cho những ai học chơi dương cầm, vì nó là phong cách được các nhà trường, nhạc viện chọn để đào tạo học viên.
Nhưng đời sống âm nhạc đại chúng bên ngoài lại là một thế giới khác, nơi tiếng nhạc disco mới ra đời đã lan tràn và thống trị khắp nơi. Chính việc chuyển hướng phù hợp hơn với cá tính và ý hướng đã khiến tiếng đàn dương cầm của ông gần gũi hơn với đại chúng. Ông chọn chơi các giai điệu nổi tiếng nhất, lấy từ trong kho tàng nhạc cổ điển lẫn trong những ca khúc đình đám đương đại.
Người đàn ông của gia đình
Bất chấp sự nghiệp lừng lẫy thế giới, sự thật Richard Clayderman vẫn là người đàn ông kín đáo, dễ xấu hổ và sống hướng về gia đình.
“Gia đình là cực kỳ quan trọng đối với tôi. Họ là những gì giữ tôi bước tiếp – lý do để tôi sống, dĩ nhiên, bên cạnh âm nhạc của tôi”, ông nói.
Vì đi lưu diễn nhiều nơi, nên ông cũng khó tránh khỏi tan vỡ. Người vợ thứ 3 hiện nay của ông là một nghệ sĩ vĩ cầm. Vào năm 2010, hai người lặng lẽ cưới nhau trong một đám cưới mà chỉ có…một chú chó và chiếc bánh ngọt chứng giám.
Tránh xa dục vọng
Dù trong công việc đưa ông đi đến những chốn phồn hoa nhất của thế giới: Paris, London, New York…, ông nói, điều quan trọng là giữ mình tránh xa những thôi thúc của dục vọng. Có quá nhiều fan muốn chia sẻ tình cảm với ông, nhưng ông đã giữ mình.
Tại sao nhạc của ông dễ nghe đối với quảng đại quần chúng?
Richard Clayderman thường chơi lại các nhạc phẩm cổ điển như Hungarian dance No. 6 của J. Brahms, Bohemian melody của F. Liszt, hay Ave Maria của Schubert.
Cùng một sáng tác nhưng khi xử lý lại, tác phẩm do R. Clayderman trình tấu thường đơn giản hơn. Nếu đó là một concerto hoặc symphony, Clayderman thường chỉ chơi lại một đoạn nào đó hấp dẫn nhưng đơn giản, hoặc ông sẽ giản lược nó đi để công chúng dễ tiếp thu.
Thậm chí cả những tình khúc cổ điển tương đối ngắn cũng như vậy, như For Elise của Beethoven, Serenade của F. Schuber.
Cùng lúc, Richard Clayderman xử lý theo cách ngược lại với các ca khúc pop rock. Ông thường xử lý lại những bản nhạc có lời theo cách thổi vào đó chất cổ điển nhất định khi độc tấu bằng piano, làm mềm hóa nhiều hợp âm vốn mang tính bùng nổ đặc trưng của nhạc pop rock. Điều này tạo ra sức quyến rũ cho các ca khúc pop rock, ví dụ như A Time for Us, Yesterday, Love story…
Chất lãng mạn du dương đặc trưng
Một điều quan trọng khác là, trong tất cả các bản nhạc của ông dù là xử lý nhạc cổ điển hay chơi lại nhạc pop rock, người nghe thường cảm nhận thấy chất lãng mạn du dương khá đặc trưng.
Richard Clayderman cắt nghĩa âm nhạc của chính mình: “Lãng mạn có nghĩa là gắn liền với vẻ đẹp của bầu trời, của biển cả, của thiên nhiên, và là cảm nhận tình yêu khi được bao quanh bởi cái đẹp. Và tôi luôn cố gắng truyền tải tất cả cảm xúc đó của tôi qua cây đàn.”
Nghệ sĩ truyền cảm hứng cho hàng nghìn người chơi piano.
Ông cũng nhận được rất nhiều lời tán dương và khen ngợi của truyền thông và giới phê bình. Năm 2005, BBC đánh giá: “Richard Clayderman đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người chơi piano.”
Mặc dù giới chuyên môn sâu không đánh giá cao và đa phần các ý kiến chuyên môn là: “Người ta chỉ nghe nhạc Richard Clayderman khi không sành sỏi lắm về âm nhạc, với sinh viên đã học xong âm nhạc mà vẫn nghe Richard thì thấy quá đơn giản”, nhưng với Richard Clayderman, chơi hết mình cho quảng đại quần chúng yêu mến những giai điệu du dương lãng mạn của ông, thế là đủ.
Và hơn nữa, đó phải chăng là con đường của Định Mệnh? Trên thực tế, một người đâu thực sự có quyền lựa chọn số phận của mình. Khiến hàng tỷ người yêu mến, đó có lẽ không phải việc Richard Clayderman có thể tự mình định đoạt…
Bài đăng hay nhé!
Trả lờiXóaDVD cũng thích nghe nhạc Richard Clayderman!
Vâng, thế thì thi thoảng DVD nghe nhé ạ! HG cho volum nhỏ thôi, du dương nhẹ nhàng...
Xóa