HG đăng đoạn trích đầu bài "Sự kiện và nhà báo" (*) của nhà báo Mai Quốc Ấn thay một lời giới thiệu:
"Năm nay, cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 được nhắc nhiều trên báo chí. Nhưng 10 năm trước, đó chỉ là cuộc "xé rào" bởi khi đó nhà báo Huy Đức (báo Sài Gòn Tiếp Thị bản cũ) viết bài Biên giới tháng Hai là bài báo duy nhất của cả làng báo khi ấy. Cũng là bài báo đầu tiên trong 10 năm nay trước khi cuộc chiến tranh biên giới được "bật đèn xanh" nhắc lại vào 2019."
BIÊN GIỚI THÁNG HAI
Huy Đức
Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào lúc 5 giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.
“Những đôi mắt”
Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.
Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.
“Cuộc Chiến 16 Ngày”
Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”. Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.
Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2, chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338, Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi Pol Pốt khỏi Phnompênh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng Động viên”… ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.
Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.
Lặng Lẽ Hoa Đào
Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở. Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984, 1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh 1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn. Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.
Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.
Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Tháng Hai, đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc gọi là “ đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.
Huy Đức
Bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9-2-2009, bản đưa lên báo online bị rút xuống ngay trong buổi sáng.
---------------------------------------------------
Vài bức ảnh tư liệu lấy từ http://www.baogiaothong.vn/toi-ac-cua-quan-xam-luoc-trung-quoc-qua-hoi-uc-vi-chi-huy-mat-tran-vi-xuyen-d410869.html , https://vnexpress.net/40-nam-cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-phia-bac/bien-gioi-thang-2-nam-1979-3541696.html và http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Vi-Xuyen-Khi-To-quoc-goi-ten-anh/311469.vgp
---------------------------------------------------
Vài bức ảnh tư liệu lấy từ http://www.baogiaothong.vn/toi-ac-cua-quan-xam-luoc-trung-quoc-qua-hoi-uc-vi-chi-huy-mat-tran-vi-xuyen-d410869.html , https://vnexpress.net/40-nam-cuoc-chien-bao-ve-bien-gioi-phia-bac/bien-gioi-thang-2-nam-1979-3541696.html và http://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Vi-Xuyen-Khi-To-quoc-goi-ten-anh/311469.vgp
Những người lính đầu tiên bảo vệ đất nước là bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới. Ảnh tư liệu. |
Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Bộ đội bám trụ từng hốc suối, bìa rừng, đánh bật quân Trung Quốc lùi dần về phía đường biên. Báo Quân đội nhân dân số Thứ Sáu, ngày 23/2/1979 đăng:"Trong 5 ngày (từ 17 đến 21/2), quân dân các tỉnh biên giới diệt 12.000 địch, diệt và đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn cháy, phá hủy 140 xe tăng, xe thiết giáp, thu nhiều súng và đồ dùng quân sự". |
Súng chống tăng, đạn B41, súng trung liên, đại liên của quân Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam thu được. |
Đất nước chuyển mình vào cuộc kháng chiến mới. Hàng hóa nhanh chóng được chi viện cho chiến trường phía Bắc. |
Nhà trẻ thị xã Cao Bằng chỉ còn là đống đổ nát |
Báo Quân đội nhân dân đăng "4 giờ 17 phút ngày 17/2/1979, giữa lúc nhân dân Hoàng Liên Sơn đang ngủ ngon thì bất thình lình hàng loạt đạn đại bác từ phía Bắc giội tới làm khắp biên giới bốc lửa ngùn ngụt. Hàng loạt quả đại bác thi nhau trút xuống thị xã Lào Cai, Cốc Lếu, nhằm thẳng các cơ quan, nhà máy…".
Các tỉnh nằm trong vòng chiến sự gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh (Xem đồ họa).
Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang do nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ghi lại. Khi đó, ông là cán bộ phòng biên tập ảnh của Nhà xuất bản Văn hóa được tăng cường lên biên giới phía Bắc cuối năm 1978. Từ lúc chiến sự xảy ra đến đầu tháng 3/1979, ông theo chân công an vũ trang đi khắp chiến trường Cao Bằng, ghi lại những hình ảnh chân thực của cuộc chiến 38 năm trước bằng một chiếc máy ảnh và 20 cuộn phim.
|
Từ ngày 17/2/1979 đến 18/3/1979 khi Trung Quốc rút quân, nhiều bản làng dọc biên giới phía Bắc bị tàn phá nặng nề. Đạn pháo tầm xa phá hủy nhà cửa, trường học, bệnh viện, cầu cống, người dân bị giết hại. (Ảnh: Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc đánh sập.)
|
Để huy động sức người, sức của cho công cuộc cứu nước, ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Hàng vạn thanh niên các tỉnh biên giới và toàn quốc nhanh chóng ghi danh nhập ngũ. Khi lệnh Tổng động viên được ban bố ngày 5/3, Trung Quốc tuyên bố rút quân vì đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh". Tuy nhiên, suốt 10 năm (1979-1989), chiến sự vẫn tiếp diễn ở biên giới phía Bắc, khốc liệt nhất là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). |
Một góc nghĩa trang Vị Xuyên- một trong 10 nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hà Giang. Trong hơn 1.750 ngôi mộ ở đây có hơn 200 ngôi mộ vô danh. Chữ in hoa trên bia mộ còn mới bởi mới được quy tập về đây với cái tên chung “Liệt sĩ chưa biết tên”. Đặc biệt là có nhiều mộ liệt sĩ ghi cùng ngày hy sinh 12/7/1984. Người quản trang là đồng đội của các liệt sĩ năm ấy cho biết đó là ngày ác liệt nhất ở Vị Xuyên trên toàn bộ trận tuyến biên giới phía bắc trong suốt 10 năm (1979/1989). (Ảnh tháng 5/2017) |
--------------
(*) Đọc toàn văn bài:
SỰ KIỆN VÀ NHÀ BÁO
Nhà báo Mai Quốc Ấn
Năm nay, cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 được nhắc nhiều trên báo chí. Nhưng 10 năm trước, đó chỉ là cuộc "xé rào" bởi khi đó nhà báo Huy Đức (báo Sài Gòn Tiếp Thị bản cũ) viết bài Biên giới tháng Hai là bài báo duy nhất của cả làng báo khi ấy. Cũng là bài báo đầu tiên trong 10 năm nay trước khi cuộc chiến tranh biên giới được "bật đèn xanh" nhắc lại vào 2019.
Nhà báo Tâm Chánh- Tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị khi ấy, nói về hiện thực bức bối ở biên giới năm 2009: "10 năm trước báo SGTT của chúng tôi đã ghi nhận lại hình ảnh nhang tàn, khói lạnh trên các nấm mồ liệt sĩ còn nằm dọc tuyến biên giới phía Bắc vào chính những ngày kỉ niệm 30 năm cuộc chiến. Chiến tích bị đục bỏ. Nghĩa trang néo cửa. Quan san tê tái. Những giọt nước mắt tưởng nhớ lén chảy vào trong nỗi ấm ức."
Đứa em út của toà soạn như tôi khi ấy còn cảm nhận được những"sức ép vô hình" thì huống gì là đồng nghiệp đàn anh Huy Đức, Tâm Chánh. Dự tính đăng ba kì báo nhưng Biên giới tháng Hai trên SGTT chỉ mới đăng được một kì đã kết thúc. Facebook khi ấy không rầm rộ như bây giờ, hai năm sau (năm 2011), anh Huy Đức mới đưa Biên giới tháng Hai lên Facebook cá nhân.
Nhà báo Tâm Chánh có kể lại: "Một lần kiểm điểm tổng biên tập SGTT, ông Huỳnh Thanh Hải phó ban tuyên giáo thành ủy phê bình báo SGTT về 100 bài “có vấn đề”, nhận xét “ chuyện người ta muốn quên thì các đồng chí moi lại. Để làm gì? Có phải chuyện của các đồng chí không? Chuyện của các đồng chí là thị trường...”
Người ta là ai? Tôi và nhiều anh chị em Sào Gòn Tiếp Thị cũng thắc mắc như nhà báo Tâm Chánh. Chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng trịch thượng...
Gần 40 năm trước, một nhà báo Nhật Bản đã ngã xuống ở biên giới Việt- Trung: Ngày 7/3/1979, nhà báo Takano Isayo sinh năm 1943 ở Kobe đã chết sau tiếng súng phía Bắc sông Kỳ Cùng, Lạng Sơn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương sau này có viết bài hát Takano- một nhân chứng quả cảm.
Cũng năm 2009, nhà báo Lê Đức Dục của Tuổi Trẻ đã viết bài thơ Những bông hoa không chờ chỉ thị (xem ảnh). Với những người viết yêu nước, không thể chấp nhận những chỉ thị im lặng để dừng bút về những chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ độc lập của đất nước. Bằng cách này hay cách khác, một người viết có trách nhiệm phải đưa được thông tin đến bạn đọc một cách có trách nhiệm nhất.
Nhân dân có quyền biết ai đã ngã xuống để bảo vệ nhân dân, đất nước!
Năm 2013, nhà báo Lê Phú Khải đã viết về Ngụy Văn Thà, thiếu tá quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974- thời điểm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa:
Ngụy Văn Thà ,
hy sinh năm bảy bốn ,
Ở Hoàng Sa
Cho chúng tôi thắp một nén nhang
Khóc người đồng chí
Mà bấy lâu nay ,
Chúng tôi cứ đinh ninh là ngụy...
Hãy tha thứ cho chúng tôi
Một thế hệ bị lừa..
Năm tháng đi qua ...
Gần hết cuộc đời
Chúng tôi mới ngộ ra
... Không giọt máu Việt Nam nào là ngụy
Hy sinh giữ Hoàng Sa không thể nào là ngụy
Ngụy ? Chính là những kẻ bán nước ...đi đêm
Cho tôi thắp một nén nhang,
Ba mươi chín năm sau...
Khóc người đồng chí ...
Ngụy Văn Thà
Hi sinh năm bảy bốn
Ở Hoàng Sa...
Một người chiến sĩ khác chiến hào về ý thức hệ nhưng vị quốc vong thân như Ngụy Văn Thà vẫn được ghi nhận. Ai cống hiến cho quốc gia đều là anh hùng. Ai ngã xuống vì đất nước đều là anh linh.
Ngày mai là kỷ niệm tròn 40 năm chiến tranh biên giới bắt đầu. Về bản chất, đó là một cuộc chiến tranh chống xâm lược như hàng chục cuộc chiến tranh chống xâm lược mà Việt Nam phải đối diện với Trung Quốc từ thời còn bộ lạc đến nay.
Những người cầm bút cũng có một cuộc chiến khác- cuộc chiến rất chênh lệnh mà người viết luôn ở thế yếu hơn, nhưng vẫn phải "chiến". Vì viết ra những điều cần viết mà cộng đồng cần biết có lúc rất khó. Không phải chỉ khó viết vì bị chê đủ thứ, mà khó nhất sau khi viết xong thì bài viết hay nhất cũng có thể bị dẹp bản thảo. Thậm chí, báo đã in rồi cũng phải gỡ bài.
Viết những dòng này để trân trọng những người viết chính trực đã viết, lưu giữ và công bố những sự thật mà tôi nhắc ở trên. Bởi như nhà báo Tâm Chánh đã nói: "Chúng tôi chấp nhận kỉ luật tuyên truyền của đảng. Nhưng chúng tôi không đông tình lấy một thỏa thuận của hai đảng thành như pháp luật của đất nước. Thỏa thuận ấy của lãnh đạo cấp cao có thể là một biện pháp chính trị cần thiết. Nhưng chỉ đạo nó thành một hiện thực cấm kị, sợ hãi và hèn yếu như 10 năm vừa qua là trách nhiệm của ban tuyên giáo."
Lần nữa, xin trân trọng cảm ơn các ngòi bút không chờ chỉ thị. Các anh ở đâu trong sự kiện và thu thập thông tin đến cho bạn đọc dù bị mất việc, mất chức hay cao nhất là mất mạng; thì cũng sẽ có người ghi nhận và nhớ ơn.
Bởi bội bạc với những người cầm bút như thế cũng đồng nghĩa nhân dân để cho sự dối trá thao túng quốc gia này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét