(Trích)
I
Hồi lên sáu, có lần tôi đã nhìn thấy một bức tranh tuyệt đẹp trong một cuốn sách nói về Rừng hoang nhan đề "Những chuyện có thật". Nó vẽ một con trăn đang nuốt một con thú. Đây là bản sao của bức tranh đó.Người ta nói trong sách: "Con trăn nuốt chửng cả con mồi mà không nhai. Sau đó nó không thể nhúc nhích được nữa và nó nằm ngủ sáu tháng liền trong khi chờ tiêu hoá."
Từ đó tôi hay nghĩ đến các cuộc phiêu lưu trong rừng rậm, và đến lượt tôi, với một cây bút chì màu, tôi đã vẽ được bức phác thảo đầu tiên. Bức phác thảo đầu tiên của tôi. Nó như thế này:
Tôi đem khoe kiệt tác của mình với những người lớn và hỏi họ rằng nó có làm họ kinh hãi không. Họ trả lời: "Sao lại phải sợ một cái mũ chứ?"
Bức vẽ của tôi không vẽ một cái mũ. Nó vẽ một con trăn đang nằm chờ tiêu hoá một con voi. Thế là tôi phải vẽ phía trong của con trăn, để cho người lớn có thể hiểu. Người lớn lúc nào cũng cần phải có giải thích. Bức phác thảo thứ hai của tôi nó như thế này:
Những người lớn bèn khuyên tôi nên gác sang một bên các bức vẽ trăn kín bụng và trăn hở bụng kia và nên chú tâm học địa lý, sử ký, tính toán và văn phạm. Tôi đã bỏ dở như vậy đó, vào năm lên sáu, một sự nghiệp hội hoạ tuyệt vời. Tôi bị thất vọng vì sự thất bại của bản thảo số một và số hai. Những người lớn chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ.
Vậy là tôi phải chọn nghề khác, và tôi học lái máy bay. Tôi đã bay khắp thế giới mỗi nơi một tí. Và môn địa lý, đúng như vậy, đã giúp tôi rất nhiều. Tôi biết làm thế nào để chỉ nhìn qua một cái là phân biệt được ngay Trung Quốc với Arizona. Cái đó thật là ích lợi nếu như người ta bay lạc đường trong đêm tối.
Mỗi lúc gặp một người lớn có vẻ sáng sủa một tí, tôi lại thử ông ta bằng bức phác thảo số một mà tôi luôn mang theo. Nhưng luôn luôn ông ta trả lời: "Đấy là một cái mũ". Thế là tôi chẳng thèm nói với ông ta về trăn rắn, rừng hoang hay các vì sao nữa. Tôi tự hạ mình xuống ngang tầm ông ta. Tôi nói về chơi bài, chơi gôn, chính trị và càvạt. Và con người lớn kia cảm thấy hài lòng vô cùng khi được quen một con người biết điều như vậy.
II
Tôi đã sống cô đơn như vậy đó, chẳng có ai để chuyện trò thực sự, cho đến khi máy bay của tôi bị hỏng giữa sa mạc Sahara, cách đây sáu năm. Có cái gì đó trong động cơ của tôi bị gãy. Và tôi chỉ đi một mình không có hành khách cũng chẳng có thợ máy, tôi phải một mình bắt đầu cuộc sửa chữa khó khăn. Đấy là vấn đề sống chết với tôi. Tôi chỉ có đủ nước để uống trong nhiều nhất là tám ngày.
Đêm đầu tiên vậy là tôi phải ngủ trên cát ở cách xa nơi người ở hàng ngàn dặm. Lúc đó tôi còn cô độc hơn cả một kẻ đắm tàu trên chiếc bè lên đênh giữa biển. Bạn chắc sẽ tưởng tượng ra nỗi kinh ngạc của tôi, vào lúc mờ sáng, khi một giọng nói nhỏ nhẹ lạ lùng đã đánh thức tôi dậy. Cái giọng ấy nói:
– Nếu ông vui lòng ... xin vẽ hộ tôi một con cừu!
– Cái gì?
– Xin vẽ hộ tôi một con cừu ...
Tôi nhảy dựng lên như là bị sét đánh. Tôi dụi mắt thật kỹ. Tôi đã nhìn thật kỹ. Và tôi thấy một cậu bé thật khác thường đang nhìn tôi với vẻ nghiêm trọng. Đây là bức chân dung đẹp nhất mà về sau tôi vẽ được về cậu bé ấy. Nhưng bức vẽ của tôi chắc là kém đẹp hơn người mẫu nhiều. Không phải lỗi tại tôi. Tôi đã bị người lớn làm cho nản lòng trong sự nghiệp hội hoạ từ hồi sáu tuổi, và tôi có bao giờ học vẽ cái gì ngoài những con trăn khép kín và những con trăn hở đâu.
Vậy là tôi nhìn cái sự hiển hiện đó với hai con mắt tròn xoe vì kinh ngạc. Xin nhớ là lúc ấy tôi đang ở cách mọi chỗ có người hàng ngàn dặm. Thế mà cậu bé của tôi trông chẳng giống như bị lạc đường, chẳng hề mệt lả, chẳng hề đói, chẳng hề khát nước hay sợ hãi gì cả. Cậu ta chẳng có vẻ gì của một cậu bé lạc giữa sa mạc, cách nơi có người cả ngàn dặm. Tới khi mở được miệng, tôi hỏi em:
– Nhưng ... em làm cái gì ở đây?
Thế là em lặp lại câu nói lúc nãy, thật nhẹ nhàng, như là một điều rất quan trọng:
– Nếu ông vui lòng ... xin vẽ hộ tôi một con cừu ...
Khi mà sự bí ẩn quá lớn, người ta không dám không vâng lời. Dù điều này thật là vô lý khi tôi đang ở cách xa nơi người ở cả ngàn dặm và đang bị nguy đến tính mạng, tôi rút trong túi ra một cây bút và một mảnh giấy. Nhưng tôi sực nhớ rằng mình đã chỉ học địa lý, sử ký, tính toán và văn phạm, và tôi nói với cậu bé (có vẻ hơi khó chịu) rằng tôi không biết vẽ. Em trả lời tôi:
– Không sao đâu. Xin vẽ hộ tôi một con cừu.
Bởi vì tôi chưa bao giờ vẽ một con cừu cả nên tôi vẽ lại cho em một trong hai bức tranh mà tôi có thể vẽ. Đó là hình con trăn kín.
Và tôi sững sờ khi nghe cậu bé trả lời:
– Không! Không! Tôi không muốn một con voi trong bụng một con trăn đâu. Con trăn nguy hiểm lắm, còn con voi thì quá kềnh càng. Chỗ tôi bé lắm. Tôi cần một con cừu. Hãy vẽ cho tôi một con cừu!
Thế là tôi vẽ.
Em nhìn chăm chú, rồi nói:
– Không! Con này ốm quá. Hãy vẽ con khác đi.
Tôi vẽ.
Cậu bé của tôi cười nhẹ, giọng khoan dung:
– Ông thấy đấy ... đây không phải con cừu, đây là dê. Nó có sừng ...
Tôi lại vẽ lại lần nữa. Nhưng bức này cũng bị từ chối như các bức trước.
– Con này già quá. Tôi muốn một con cừu sống thật lâu.
Bấy giờ tôi hết kiên nhẫn, bởi sốt ruột muốn bắt đầu tháo máy, tôi vẽ nguệch ngoạc bức vẽ này đây.
– Đây là cái thùng. Con cừu chú muốn nó ở trong ấy đấy.
Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy mặt vị quan toà nhỏ của tôi sáng rõ lên:
– Đúng là cái mà tôi muốn đấy! Ông nghĩ có cần nhiều cỏ cho con cừu này không ạ?
– Sao vậy?
– Vì chỗ tôi bé lắm ...
– Chắc là đủ. Tôi vẽ cho em một con cừu bé xíu ấy mà.
– Sao vậy?
– Vì chỗ tôi bé lắm ...
– Chắc là đủ. Tôi vẽ cho em một con cừu bé xíu ấy mà.
Em cúi đầu xuống bức vẽ:
– Không nhỏ lắm đâu ... Kìa! Nó đã ngủ rồi ...
Và như thế đấy, tôi đã làm quen với ông hoàng bé nhỏ.
Vĩnh Lạc (dịch)
---------------------------------------
1. Hoàng tử bé (1943, Le Petit Prince) - minh họa bởi chính tác giả- là câu chuyện về một phi công phải hạ cánh khẩn cấp trong sa mạc. Anh gặp một cậu bé, người hóa ra là một hoàng tử từ hành tinh khác đến. Hoàng tử kể về những cuộc phiêu lưu của em trên Trái Đất và về bông hồng quí giá trên hành tinh của em. Em thất vọng khi phát hiện ra hoa hồng là loài bình thường như bao loài khác trên Trái Đất. Một con cáo sa mạc khuyên em nên yêu thương chính bông hồng của em và hãy tìm kiếm trong đó ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhận ra điều ấy, hoàng tử quay trở về hành tinh của em...
- Hoàng tử bé được viết ở New York trong những ngày tác giả sống lưu vong và được xuất bản lần đầu tiên tại New York vào năm 1943, rồi đến năm 1946 mới được xuất bản tại Pháp. Không nghi ngờ gì, đây là tác phẩm nổi tiếng nhất, được đọc nhiều nhất và cũng được yêu mến nhất của Saint-Exupéry. Cuốn sách được bình chọn là tác phẩm hay nhất thế kỉ 20 ở Pháp, đồng thời cũng là cuốn sách Pháp được dịch và được đọc nhiều nhất trên thế giới. Với 250 ngôn ngữ dịch khác nhau kể cả phương ngữ cùng hơn 200 triệu bản in trên toàn thế giới, Hoàng tử bé được coi là một trong những tác phẩm bán chạy nhất của nhân loại.
Ở Việt Nam, Hoàng tử bé được dịch và xuất bản khá sớm. Từ năm 1966 đã có đồng thời hai bản dịch: Hoàng tử bé của Bùi Giáng do An Tiêm xuất bản và Cậu hoàng con của Trần Thiện Đạo do Khai Trí xuất bản. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều bản dịch Hoàng tử bé mới của các dịch giả khác nhau. Bản dịch Hoàng tử bé lần này, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hoàng tử bé ra đời, cũng là ấn bản đầu tiên được Gallimard chính thức chuyển nhượng bản quyền tại Việt Nam, hy vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm việc dịch và tiếp nhận tác phẩm quan trọng này với các thế hệ độc giả.
2. Về tác giả Saint-Exupéry
3. Lời tựa của tác giả cho cuốn sách:
Gửi Léon Werth
The Little Prince on Asteroid B-612
Tôi xin lỗi các em bé vì đã đề tặng cuốn sách này cho một ông người lớn. Tôi có một lý do bào chữa nghiêm chỉnh : ông người lớn này là người bạn tốt nhất mà tôi có trên đời. Tôi có một lý do khác nữa: ông người lớn này có thể hiểu mọi chuyện, ngay cả những cuốn sách viết cho các em bé. Tôi có một lý do thứ ba: ông người lớn này hiện đang sống đói và rét ở nước Pháp. Ông ấy quả thật đang cần được an ủi. Nếu mà tất cả những lý do bào chữa ấy vẫn không đủ, thì tôi rất muốn tặng cuốn sách này cho cậu bé hồi xưa, mà đã là ông người lớn bây giờ. Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé (nhưng ít người trong số họ còn nhớ điều ấy). Vậy tôi xin chữa lại lời đề tặng :
Gửi Léon Werth
Khi ông ấy còn là một cậu bé.
2. Về tác giả Saint-Exupéry
3. Lời tựa của tác giả cho cuốn sách:
Gửi Léon Werth
The Little Prince on Asteroid B-612
Tôi xin lỗi các em bé vì đã đề tặng cuốn sách này cho một ông người lớn. Tôi có một lý do bào chữa nghiêm chỉnh : ông người lớn này là người bạn tốt nhất mà tôi có trên đời. Tôi có một lý do khác nữa: ông người lớn này có thể hiểu mọi chuyện, ngay cả những cuốn sách viết cho các em bé. Tôi có một lý do thứ ba: ông người lớn này hiện đang sống đói và rét ở nước Pháp. Ông ấy quả thật đang cần được an ủi. Nếu mà tất cả những lý do bào chữa ấy vẫn không đủ, thì tôi rất muốn tặng cuốn sách này cho cậu bé hồi xưa, mà đã là ông người lớn bây giờ. Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé (nhưng ít người trong số họ còn nhớ điều ấy). Vậy tôi xin chữa lại lời đề tặng :
Gửi Léon Werth
Khi ông ấy còn là một cậu bé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét